Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực cho cơ sở, từ cơ sở

Hà An| 15/06/2018 06:44

(HNM) - Kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm (gọi tắt là cơ sở) là nội dung Thông tư 45/TT-BNNPTNT ra đời cách đây gần 4 năm.


Với hàng trăm nghìn hộ gia đình, cơ sở chế biến nông sản và hàng nghìn xã có điểm, cửa hàng cung cấp vật tư nông nghiệp trên cả nước - con số này là minh chứng cho nhận định “Mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ đã tồn tại hàng trăm năm, không thể một lúc dẹp bỏ ngay mà phải vận động dần dần” (Báo cáo của Chính phủ về “Kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017” tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV).

Mô hình nhỏ, lẻ tất yếu dẫn đến khó áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, đặc biệt là trong điều kiện nhân lực thiếu, trình độ nhận thức hạn chế. Chưa kể đến những khó khăn khác như sự thiếu hoàn thiện của luật pháp về lĩnh vực này và việc thực thi trách nhiệm quản lý của địa phương, ngành chức năng còn hạn chế. Đặc biệt, bản thân các cơ sở kinh doanh, sản xuất cũng vẫn thờ ơ với việc xếp hạng - một cách để chuẩn hóa hoạt động của mình, xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững.

Tất cả những nguyên nhân này sẽ dẫn đến việc xếp hạng có thể đạt được một tỷ lệ nhất định, nhưng hiệu quả và tính bền vững sẽ chưa cao.

Báo cáo của Chính phủ kể trên đã cho thấy rõ điều này: Năm 2017, tỷ lệ cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu đều tăng so với 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở loại C được tái kiểm tra để nâng hạng thì lại giảm so với 2016 và còn thấp.

Như vậy, để việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thực sự thực chất và hiệu quả thì ngoài ý nghĩa là một thủ tục pháp lý quan trọng, hoạt động này phải tạo được động lực cho chính các cơ sở thay đổi nhận thức, tích cực tham gia.

Trước hết, địa phương phải là nơi huy động nguồn lực để tuyên truyền một cách sáng tạo tới tận cơ sở về quyền, nghĩa vụ của việc thực hiện Thông tư 45/TT-BNNPTNT và các văn bản quy phạm pháp luật khác về lĩnh vực này. Có chính sách linh hoạt, ưu tiên cho những cơ sở được xếp hạng cao. Thậm chí cần khuyến khích chính sự tham gia của các cơ sở kinh doanh có uy tín, làm nòng cốt cho việc tuyên truyền, gây dựng, kết nối hệ thống cơ sở sản xuất chất lượng trong địa phương, trong vùng… Giải pháp này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Thay đổi căn bản phương thức quản lý thực phẩm…, vừa tạo điều kiện thông thoáng cho đơn vị sản xuất nhưng đồng thời tăng trách nhiệm của đơn vị với sản phẩm của mình.

Thông tư 45 cũng quy định rõ hai cấp kiểm tra là trung ương và địa phương. Vì vậy hai nguồn lực lượng này cũng phải phối hợp để thực hiện tốt cả 3 hình thức kiểm tra là kiểm tra xếp loại; kiểm tra định kỳ; kiểm tra đột xuất.

Vấn đề vĩ mô quan trọng khác là phải sửa đổi những quy định không phù hợp để tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về lĩnh vực này, tạo niềm tin, động lực cho những cơ sở được xếp loại tốt (A), đạt (B), khiến cộng đồng chung tay ủng hộ cơ sở chất lượng, loại bỏ hành vi sản xuất, kinh doanh chụp giật, gây hại cho xã hội. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực cho cơ sở, từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.