Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy đối mặt thay vì “sống chung”

Dục Tú| 02/07/2018 06:40

(HNM) - Nhìn nhận tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay, cũng như những nỗ lực đối với việc phòng, chống hành vi vi phạm bản quyền, dư luận không khỏi băn khoăn về hiệu quả hạn chế của công tác này.


Trên thực tế, dễ thấy nạn xâm phạm bản quyền diễn ra trên diện rộng, cả trong lĩnh vực xuất bản, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, truyền hình… Sách in lậu có cả trong cửa hàng sách. Chương trình truyền hình, phim, âm nhạc được sao chép vô tội vạ rồi tung lên mạng hoặc bán ở lề đường. Hành vi vi phạm bản quyền không dừng lại, càng rất khó nói là đã có sự thuyên giảm đáng kể ngay cả khi cơ quan quản lý đã nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành hệ thống văn bản pháp quy tương đối đầy đủ.

Điều đáng lo ngại là sự thiếu hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm và nhận thức hạn chế về nghĩa vụ tuân thủ luật pháp trong vấn đề bản quyền đã dẫn đến hệ quả: Một bộ phận người dân coi việc sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền là bình thường.

Trong khi đó, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan bó tay trước nạn vi phạm bản quyền và tìm cách "sống chung" với nó. Nhiều người vẫn tìm mua đĩa nhạc “không có tem” trên phố và những cuốn sách in lậu đầy lỗi vẫn có người mua. Khán giả vẫn lên mạng, xem những bộ phim không có bản quyền được đăng tải trên YouTube; mua đầu Android TV BOX để tải các ứng dụng lậu về xem thay vì trả khoản phí thuê bao chừng trên dưới 100.000 đồng/tháng để xem chương trình truyền hình có bản quyền…

Tình trạng “sống chung với vi phạm” không chỉ tiếp tay cho phía coi thường pháp luật, mà còn làm nản lòng giới sáng tạo, gián tiếp hạ thấp chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng tới đời sống văn hóa tinh thần của toàn dân.

Vì sao luật pháp ngày càng được hoàn thiện mà tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp? Làm thế nào để cải thiện được tình hình?

Câu hỏi này không mới và câu trả lời chắc chắn không ngoài những gì đã được nói đến từ lâu. Đầu tiên và quan trọng là bảo đảm để các điều luật đã ban hành đi vào cuộc sống, tức là áp dụng nghiêm quy định trong quá trình xử lý vi phạm.

Hướng xử lý nên bắt đầu từ những hành vi vi phạm dễ nhận biết, ví dụ như in và kinh doanh sách lậu, chương trình âm nhạc sao chép lậu và bán công khai... Việc xử lý này không chỉ giúp chặn đứng nguồn tiêu thụ mà còn có tác dụng răn đe, hạn chế khả năng mở rộng mức độ vi phạm bản quyền sang các lĩnh vực, loại hình sản phẩm khác.

Thứ hai, cần mở những chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải “nói không” với sản phẩm vi phạm bản quyền, coi đó là cách phản ứng vì quyền lợi sát sườn chứ không phải vì ai khác. Nội dung tuyên truyền không thể mang tính chung chung, mà nên diễn giải đầy đủ, cụ thể về mối lợi/hại liên quan tới việc sử dụng sản phẩm có hay không có bản quyền.

Chẳng hạn, những ví dụ gần gũi như việc VTVcab bị “cắt” bản quyền truyền hình trực tiếp Champions League mùa bóng 2017-2018 vừa qua, nguy cơ Việt Nam không thể thực hiện trọn vẹn bản quyền truyền hình World Cup 2018 vì những kẻ muốn kiếm lợi bằng cách ăn cắp bản quyền… Có như vậy, người dân, nhất là giới trẻ hiểu rằng, việc tuân thủ nghĩa vụ về quyền sở hữu trí tuệ quan trọng như thế nào.

Cuối cùng, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan cần phải tham gia vào việc ngăn chặn hành vi xâm hại bản quyền, bằng cách đăng ký quyền tác giả để được bảo hộ, và tố cáo hành vi vi phạm thay vì im lặng, chọn cách “sống chung”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy đối mặt thay vì “sống chung”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.