Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triệt tiêu cả "cầu" và "cung"

Minh Thúy| 05/07/2018 08:03

(HNM) - Chỉ cần một cú điện thoại hay một nhấp chuột trên internet, dịch vụ làm giấy khám sức khỏe được tiếp nhận và phục vụ ngay với tiêu chí: Tiện lợi, nhanh, rẻ. Đáng nói, hiện tượng này tồn tại đã lâu, lặp đi lặp lại nhưng lại khó chặn được triệt để. Có lẽ vì thế, vấn đề tưởng đơn giản này lại càng trở nên nhức nhối, đặc biệt với những bệnh viện có thương hiệu hay bị mạo danh để làm giấy khám sức khỏe giả như: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Giao thông - vận tải, Bệnh viện E trung ương...


Giấy khám sức khỏe là một loại giấy tờ bắt buộc của khá nhiều các thủ tục, hồ sơ như: Xin việc, nhập học, thi cấp bằng lái xe…, để chứng minh chủ thể có đủ điều kiện, đáp ứng được các đòi hỏi mà pháp luật yêu cầu về sức khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi giấy khám sức khỏe như một thủ tục mang tính hình thức nên không được bên tiếp nhận hồ sơ coi trọng, kiểm tra kỹ lưỡng. Cũng vì thế, giấy khám sức khỏe giả dễ dàng được tiêu thụ trên thị trường.

Trước nạn giấy khám sức khỏe giả tung hoành nhiều năm nay, hầu hết bệnh viện đã chủ động bảo vệ mình bằng cách ứng dụng công nghệ, cải tiến cách thức quản lý. Với quy trình chặt chẽ, được cụ thể, chi tiết hóa nên việc cấp giấy khám sức khỏe khống hiện nay đã được hạn chế rất nhiều. Vì thế, giấy khám sức khỏe bán bên ngoài các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hầu hết đều có dấu hiệu bị làm giả.

Thời gian qua, không ít đối tượng làm giả giấy khám sức khỏe đã bị lực lượng công an bắt giữ, xử lý. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, đâu lại hoàn đó. Vẫn bằng chiêu thức cũ, vẫn công khai trên internet và xuất hiện ngay trước cổng các bệnh viện… nhưng dường như các đối tượng này không gặp nhiều khó khăn khi hành nghề. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai và cách nào để quản lý giấy khám sức khỏe mang tính thực chất hơn?

Làm giả giấy tờ, giả mạo chữ ký, con dấu… là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, rất cần sự vào cuộc, đấu tranh bằng nhiều hình thức của lực lượng công an. Không nên coi thường giấy tờ này có giá trị thấp mà dung túng, bởi giấy khám sức khỏe thực sự có ý nghĩa rất lớn với xã hội, với chính các chủ thể đang sử dụng chúng. Pháp luật cần xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi làm giả và xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính răn đe, phòng ngừa…

Mặt khác, các bệnh viện cũng cần đấu tranh mạnh mẽ hơn với những hành vi gian dối liên quan đến giấy khám sức khỏe. Không nên quan niệm các đối tượng có hành vi vi phạm ngoài khuôn viên cơ quan, đơn vị mình mà bỏ mặc cho lực lượng chức năng. Khi thấy dấu hiệu của hành vi làm giả, bệnh viện nên phối hợp với chính quyền, công an sở tại để xác minh rõ ngọn nguồn. Đồng thời, có cảnh báo ở nơi công cộng, tại những vị trí dễ nhận biết trong bệnh viện để mọi người cùng đề cao cảnh giác và có giải pháp khuyến khích người dân tố giác tội phạm.

Về phía người sử dụng giấy khám sức khỏe giả cũng cần phải làm rõ trách nhiệm. Khi chủ định mua giấy khám sức khỏe ở những nơi không có thẩm quyền cấp, nghĩa là họ đã nhận thức được tính thật - giả của văn bản này. Điều đó đồng nghĩa với việc họ tiêu thụ "hàng" giả. Như vậy, pháp luật cũng cần xử lý người mua giấy khám sức khỏe giả để triệt tiêu nguồn “cầu”.

Để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa, với một số lĩnh vực, thủ tục không cần thiết, cơ quan chức năng nên xem xét cụ thể, hạn chế việc các cá nhân phải nộp giấy khám sức khỏe. Điều này vừa góp phần cải cách thủ tục hành chính, vừa góp phần giảm chi phí xã hội, tiết kiệm thời gian...

Tổng hòa những biện pháp nêu trên sẽ làm triệt tiêu cả nguồn "cầu" và "cung" giấy khám sức khỏe giả, hướng đến việc quản lý thực chất loại giấy tờ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triệt tiêu cả "cầu" và "cung"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.