Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ không thể chậm trễ

Chí Kiên| 29/08/2018 06:09

(HNM) - Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cho thấy, văn bản này đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng trong giải quyết dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu.


Cụ thể, Nghị quyết đã tạo điều kiện cho ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm; hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ; góp phần kiểm soát, ngăn chặn nợ xấu mới phát sinh.

Phải khẳng định rằng, điểm đáng chú ý ở Nghị quyết 42/2017/QH14 là sự thay đổi đột phá về tư duy đối với nợ xấu. Từ chỗ quan niệm nợ xấu là của ngành Ngân hàng, tự ngân hàng phải chịu trách nhiệm và xử lý, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã xác định nợ xấu là của nền kinh tế. Từ nhận thức đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngành Ngân hàng xử lý vấn đề này. Đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được trao những quyền cốt lõi, là thu giữ tài sản bảo đảm và yêu cầu thực hiện các thủ tục rút gọn trong tố tụng, thi hành án; tăng quyền xử lý nợ cho ngân hàng,...

Nhìn rộng hơn, quá trình triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 góp phần giúp nền kinh tế vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Bởi trước khi Nghị quyết có hiệu lực, công tác xử lý nợ xấu kéo dài, gây tốn kém không chỉ cho các ngân hàng thương mại mà cả Nhà nước vì nhiều chi phí phát sinh; kéo theo những hệ lụy như ngân hàng khó giảm lãi suất và mấu chốt là nguồn vốn "bơm" cho nền kinh tế bị ách tắc.

Để Nghị quyết 42/2017/QH14 tiếp tục phát huy và khẳng định hiệu quả trong thời gian thí điểm 5 năm là vấn đề các ngành chức năng, địa phương cần đặc biệt quan tâm, với những giải pháp phối hợp thực hiện đồng bộ hơn nữa; đồng thời khắc phục cho được những vướng mắc hiện hữu liên quan đến thuế, khung khổ pháp lý, vấn đề tố tụng và thi hành án,...

Cùng với đó, việc định giá tài sản để đấu giá và quá trình đấu giá tài sản bảo đảm cần thực hiện công khai, minh bạch, có quy định chặt chẽ, để khách hàng tin tưởng hơn, tránh tâm lý lo ngại có tình trạng "quân xanh - quân đỏ", gây thiệt hại cho các chủ thể liên quan.

Các ngân hàng cũng cần chủ động đánh giá thực chất các khoản nợ xấu, nhất là nợ có yếu tố tiềm ẩn. Bản chất nợ tiềm ẩn khá rủi ro, vì vậy cần có cách ứng xử theo đúng với mức độ rủi ro của nó để giải quyết hiệu quả nợ xấu. Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra nhằm kiểm soát nợ xấu và xử lý, phòng ngừa rủi ro cần tiếp tục được tăng cường. Ở tầm vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng hơn nữa việc điều hành thị trường tiền tệ linh hoạt theo diễn biến thị trường để bảo đảm sự ổn định; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

Về lâu dài, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng phải hướng đến chuyên nghiệp để sớm hình thành thị trường mua bán nợ thực sự với sự góp mặt của nhiều thành phần, thay vì chỉ có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như hiện nay. Đây cũng là cơ sở để tận dụng nguồn lực bên ngoài của cả khu vực trong nước, nước ngoài tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc ngân hàng... Điểm thuận lợi là trong Nghị quyết 42/2017/QH14 đã "mở đường" cho phép mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia, gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, rộng hơn là cho cả nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững là nhiệm vụ không thể chậm trễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.