Theo dõi Báo Hànộimới trên

An cư để lạc nghiệp

Đình Hiệp| 18/10/2018 06:25

(HNM) - “An cư, lạc nghiệp” không chỉ là một nhu cầu thiết yếu của mỗi người, mỗi gia đình mà còn là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Vì vậy, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.


Thời gian qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai đầu tàu kinh tế có số lượng công nhân làm việc đông - đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động. Thế nhưng, ước mơ có một nơi để an cư của nhiều công nhân không dễ trở thành hiện thực.

Tính đến năm 2018, số lượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở là khoảng 1,2 triệu người, dự kiến con số này tăng lên 3 triệu người vào năm 2020, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50%. Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở cho công nhân còn tiếp tục tăng nếu không có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và chính doanh nghiệp sử dụng lao động.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến việc xây dựng nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng yêu cầu thực tế?

Có nhiều lý do nhưng phải kể đến những bất cập như: Các thủ tục hành chính về đầu tư rườm rà đã khiến cho việc triển khai xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân bị chậm. Tại một số khu công nghiệp, quy hoạch phát triển không đồng bộ với quy hoạch đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Điều này dẫn tới việc thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa khác. Việc đầu tư xây nhà ở cho công nhân đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao nên các doanh nghiệp bất động sản không mặn mà tham gia. Các chính sách ưu đãi về vốn hiện chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Chưa kể thu nhập thực tế còn quá thấp khiến công nhân khó có thể tích lũy để mua hoặc thuê nhà.

Được biết, ngày 25-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó có nội dung phát triển nhà ở. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có nhà ở cho công nhân. Để đạt được mục tiêu đó, ngay bây giờ các địa phương, bộ, ngành liên quan cần chung tay giải quyết những vướng mắc đang là “rào cản” kể trên.

Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, TP Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp, khu công nghệ cao đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 7.000-10.000 lao động/năm. Vì thế, TP Hà Nội đang đẩy nhanh công tác rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách chưa phù hợp về đất đai, vốn, quy hoạch, phát triển hạ tầng đồng bộ... cũng được thành phố tập trung thực hiện nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở cho công nhân với giá phù hợp. Với những dự án khu công nghiệp quy hoạch mới, yêu cầu bắt buộc là phải có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc tại dự án. Một số dự án nhà ở quy mô lớn đã xây dựng thời gian qua và dự kiến sẽ được khởi công thời gian tới đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu này.

Với những nỗ lực kể trên, hy vọng những bất cập về nhà ở cho công nhân sẽ sớm được hóa giải, giúp công nhân sớm “an cư, lạc nghiệp”, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An cư để lạc nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.