Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ, thực chất, hiệu quả

Dục Tú| 21/10/2018 06:45

(HNM) - Khi đánh giá việc thực hiện chủ trương, chương trình, kế hoạch phát triển lớn, vấn đề được quan tâm đầu tiên là bức tranh tổng thể, kết quả những phần việc quan trọng nhất.


Như trong lĩnh vực du lịch, khi đánh giá kết quả triển khai thực hiện những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” điều được xem xét đầu tiên là những chỉ tiêu quan trọng về số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tới Hà Nội, tổng thu từ hoạt động du lịch, công suất sử dụng buồng/phòng cũng như công tác phát triển nguồn nhân lực.

Và đánh giá tổng thể, Nghị quyết số 06-NQ/TU được xem là cú hích cho ngành Du lịch Hà Nội tạo bước phát triển đột phá, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xem xét bức tranh tổng thể của ngành Du lịch Thủ đô sau hơn hai năm kể từ khi Nghị quyết số 06-NQ/TU được ban hành, dễ thấy bước phát triển ấn tượng, những kết quả khả quan, đặc biệt là mức tăng hằng năm về số lượng khách du lịch quốc tế và trong nước.

Tuy nhiên, với chỉ tiêu về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tổng thu từ khách du lịch, dù số liệu cho thấy đà tăng trưởng đáng được ghi nhận nhưng mức tăng chưa ấn tượng. Nói cách khác, trong bối cảnh tiềm năng du lịch Thủ đô được đánh giá là rất lớn, định hướng phát triển bền vững, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được xác định rõ ràng, những mặt hạn chế nói trên cho thấy chúng ta chưa tận dụng hoàn hảo cơ hội phát triển du lịch.

Kết quả, tốt hay phần nào còn hạn chế, đều có nguyên nhân của nó. Những mục tiêu lớn đã và đang được hoàn thành, sớm hay muộn, tạo được đà tiến mang tính đột phá, bền vững hay không phụ thuộc vào kết quả triển khai rất nhiều kế hoạch “nhỏ”.

Như những mắt xích trong một dây chuyền lớn, chỉ cần một chi tiết lỏng lẻo là sự vận hành có thể trục trặc. Chẳng hạn như hiện nay, không ít du khách vẫn coi Thủ đô như điểm trung chuyển để tới vịnh Hạ Long hay những điểm đến khác, nên chỉ ở lại Hà Nội trong thời gian ngắn.

Nếu kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm du lịch rõ tính riêng chỉ Thủ đô mới có… để tăng số thu trong hoạt động du lịch bằng cách “giữ” khách ở lại Hà Nội lâu hơn, không chuyển biến nhanh, mạnh mẽ thì dù số du khách đến Thủ đô có tăng nhưng tổng thu từ đó vẫn khó đạt mức tăng tương xứng.

Kế hoạch đó cần được cụ thể hóa thông qua những chương trình, đề án như nghiên cứu mở thêm tour, tuyến, điểm du lịch ở khu vực ngoại thành để tận dụng nguồn tài nguyên du lịch phong phú thay vì tập trung cho những điểm đến quen thuộc là khu phố cổ, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Ngoài ra, cần có chương trình tổng thể về khu, điểm vui chơi giải trí phù hợp với du khách; nghiên cứu triển khai một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao quy mô lớn, xứng tầm với ý tưởng tạo điểm nhấn quảng bá hình ảnh Thủ đô.

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực cũng vậy, phải xứng đáng là một phần không thể tách rời trong kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, khiến họ muốn ở lại Hà Nội lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn…

Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, không có gì cần thiết hơn là triển khai chương trình, kế hoạch cơ bản một cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất. Mọi hoạt động phải hướng vào mục tiêu tổng thể, không tách rời mà bám sát nhằm tạo ra chuyển động đồng bộ. Có như vậy, ngành Du lịch Thủ đô mới có thể tận dụng hiệu quả thời cơ, lợi thế, tiềm năng phát triển, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ, thực chất, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.