Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất vấn và giám sát thực hiện đến cùng

Thế Nguyên| 31/10/2018 06:20

(HNM) - Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, các nội dung chất vấn tại Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận...


Đã có 121 đại biểu đăng ký chất vấn; 36 đại biểu nêu ý kiến chất vấn, 23 đại biểu tranh luận; có 15 bộ trưởng, trưởng ngành, trong đó có Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đăng đàn trả lời chất vấn. Đặc biệt, tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn không theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các đại biểu trực tiếp chất vấn các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. “Một ngày làm việc sôi động” - như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trước khi kết thúc ngày chất vấn đầu tiên không chỉ cho thấy một điểm sáng trong hoạt động nghị trường…

Điểm sáng đáng chú ý khác là theo Chủ tịch Quốc hội, các vấn đề, lĩnh vực đã được giám sát chuyên đề, chất vấn tại các kỳ họp gần đây đều là những nội dung quan trọng được nhân dân và cử tri quan tâm, qua các báo cáo cũng như thực tế cho thấy, việc thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc triển khai chưa có hiệu quả.

Giám sát là chức năng đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa bao trùm của cơ quan dân cử cao nhất. Ban hành nghị quyết chuyên đề, tiến hành chất vấn… là những công cụ để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình. Những thông tin tích cực từ ngày làm việc thứ tám cho thấy, thông qua việc thực hiện chức năng của mình, Quốc hội đã “tác động”, “thúc đẩy” các cơ quan, ngành, địa phương tích cực khắc phục những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, các nội dung được chất vấn còn không ít tồn tại, như đã được chỉ rõ. Giải tỏa tâm tư, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước chính là yêu cầu đặt ra đối với mỗi hoạt động nghị trường, mỗi một kỳ họp.

Trước hết, kinh nghiệm từ việc thực hiện tốt các vấn đề mà các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề đặt ra cần được nhân rộng, không chỉ giữa các bộ, ngành mà còn với từng địa phương, đơn vị. Thứ hai, do chất vấn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động giám sát nên các đại biểu dân cử không chỉ chất vấn để tìm thông tin, làm rõ vấn đề mà quan trọng hơn là “mổ xẻ” vướng mắc còn tồn tại, từ đó cùng các bộ trưởng, trưởng ngành có hướng tháo gỡ.

Đặc biệt, để các nghị quyết về giám sát chuyên đề phát huy hiệu quả cao nhất, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm giải trình của các thành viên Chính phủ, và hệ quả kèm theo đó là thành viên Chính phủ có thể nhận được kết quả tín nhiệm khác nhau.

Xét cho cùng, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề là quá trình trong đó Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ với mục tiêu phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì lẽ đó, kỹ năng giám sát (từ phía đại biểu dân cử) và trách nhiệm (theo đuổi đến cùng vấn đề, thực hiện hiệu quả chỉ tiêu đặt ra đối với cả đại biểu dân cử cùng những thành viên Chính phủ) là điều cử tri và nhân dân cả nước mong mỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất vấn và giám sát thực hiện đến cùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.