Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến cơ hội thành hiện thực

Thế Đan| 06/11/2018 06:23

(HNM) - Tính đến ngày 5-11-2018, đã có 6/11 quốc gia thành viên tham gia đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và văn kiện quan trọng này sẽ có hiệu lực từ ngày 30-12 tới.


Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP của chúng ta tăng 1,1% nhưng lợi ích từ cải cách thể chế, chỉ xét về các hàng rào phi thuế quan, có thể mang lại cho GDP là khoảng 10%. Như vậy, “nút thắt” quyết định thành công khi thực hiện CPTPP chính là việc cải cách thể chế. Đó là việc thực hiện các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, phòng chống tham nhũng và minh bạch hóa… sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người lao động, cho xã hội, cho uy tín và thương hiệu của hàng hóa, dịch vụ “Made in Viet Nam” trong cộng đồng người tiêu dùng thế giới. Và đây là con đường phát triển bền vững, đúng với tinh thần được Đảng, Nhà nước ta cam kết thực hiện.

Đối với nước ta, những thuận lợi, khó khăn khi tham gia CPTPP hầu hết đều tương đồng với việc thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do song phương đã ký. Do đó, điều quan trọng ở thời điểm này là tổng kết rút kinh nghiệm những việc đã làm được, chưa làm được, có đối sách trước mắt và lâu dài để làm sao biến những cơ hội tiềm tàng từ CPTPP thành hiện thực.

Trước hết, việc sớm đưa ra một chương trình hành động cụ thể liên quan đến việc thực thi CPTPP là hết sức cần thiết. Chương trình này phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra. Tiếp đến là phải xây dựng được các phương án cụ thể để không chỉ thực thi hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng để giảm tối đa những tác động không mong muốn.

Với đặc thù của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có đến hơn 90% quy mô nhỏ, siêu nhỏ, dễ tổn thương, vì thế, trong chính sách thực hiện các cam kết của CPTPP rất cần Chính phủ đưa ra được những đối sách hỗ trợ rõ nét hơn. Bởi nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi hiệp định sẽ khó thành công, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Một lẽ dĩ nhiên khác: Cộng đồng doanh nghiệp sẽ có tiếng nói quyết định đến thành công của CPTPP nên ngay từ bây giờ, mỗi doanh nghiệp cần phải tiếp cận tìm hiểu cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh nếu như không muốn “thua trên sân nhà”.

Ngoài ra, văn kiện CPTPP là một hệ thống các quy ước khung nên bao giờ cũng mang tính chất hàn lâm và kỹ thuật, doanh nghiệp khó có thể đọc và hiểu ngay, hiểu đúng để vận dụng thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có đầu mối chính thức để hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp trong vấn đề này.

Có thể thấy, việc tham gia CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích của đất nước. Nhưng việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.

Rõ ràng, đây là lúc thể hiện bản lĩnh biến cơ hội thành hiện thực hơn lúc nào hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến cơ hội thành hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.