Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước mắt và lâu dài

Chí Kiên| 10/11/2018 06:42

(HNM) - 100% số hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội được sử dụng điện từ hệ thống lưới điện quốc gia; tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 30% năm 2008 xuống còn 6,2% hiện nay... là những kết quả nổi bật của ngành Điện Thủ đô trong nỗ lực đưa ánh sáng điện đến với người dân nông thôn.


Vui nhất phải kể đến những người dân sinh sống ở những “điểm lõm” hay vùng sâu vùng xa, vùng miền núi của Thủ đô đã được dùng nguồn điện ổn định với giá đúng quy định thay vì dòng điện phập phù, cấp theo giờ hoặc đấu nhờ địa phương khác như trước đây. Đáng nói, ngay sau khi tiếp nhận hệ thống lưới điện của hàng trăm xã vào năm 2008, ngành Điện thành phố đã dồn lực đầu tư hạ tầng, áp dụng phương thức quản lý phù hợp, từng bước xóa vùng “trắng” về điện ở một số thôn, bản miền núi.

Đây là cố gắng rất lớn của ngành Điện trong việc nâng cao chất lượng cấp điện và dịch vụ đi kèm. Vì thực tế, ở các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn… nhiều nơi người dân sinh sống không tập trung, có địa hình đồi núi khá phức tạp. Do đó, việc đầu tư lưới điện ở khu vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi sản lượng điện tiêu thụ lại không nhiều. Rõ ràng, ngoài tác động đến phát triển kinh tế, sự đầu tư của ngành Điện còn có ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội, làm tốt công tác an sinh và trách nhiệm vì cộng đồng.

Không dừng ở đó, ngành Điện Thủ đô xác định nhiệm vụ phải tiếp tục hiện đại hóa hệ thống lưới điện nông thôn để phục vụ người dân tốt hơn. Đây cũng là vấn đề lớn nhất mà ngành Điện thành phố phải tiếp tục huy động nguồn lực để giải quyết hiệu quả những phần việc cụ thể như đầu tư thêm trạm biến áp ở những khu vực trọng điểm; thay thế công tơ đo điện cơ khí bằng công tơ điện tử; nâng cấp hệ thống điện hạ thế, nhất là ở những nơi còn tuyến dây truyền tải điện chưa bọc nhựa hoặc cần hạ ngầm…

Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố đang đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội khu vực này sẽ có bước phát triển mạnh thì việc tiêu thụ điện sẽ tăng lên với yêu cầu hạ tầng lưới điện, công tác quản lý ngày càng phải nâng cao. Vì vậy, trong quá trình đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện nông thôn, ngành Điện Hà Nội cần tính toán được mục tiêu phục vụ cả trước mắt và lâu dài.

Đối với nhiệm vụ trước mắt, tiếp tục cấp điện ổn định, chính xác, minh bạch tới từng hộ dân; tăng cường các tiện ích, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp điện mới và chu trình giải quyết vấn đề phát sinh. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn điện năng nhanh, chất lượng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

Về lâu dài, việc đầu tư hạ tầng lưới điện nông thôn phải bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035. Việc đầu tư phải trên tinh thần không chỉ bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, có công suất dự phòng, mà cần quan tâm giữa phát triển điện lực với xây dựng nông thôn mới, đô thị hóa và đồng bộ hạ tầng từng địa phương. Cùng với đó là từng bước xây dựng lưới điện thông minh trong vận hành và đo đếm điện năng; lắp đặt các thiết bị đóng cắt, bảo vệ hiện đại, có thể điều khiển từ xa để nâng cao độ tin cậy, phân đoạn và xử lý sự cố dễ dàng, nhanh chóng…

Những việc làm trên cũng nhằm xây dựng hình ảnh ngành Điện Thủ đô ngày càng chuyên nghiệp và thân thiện, đáp ứng tối đa nhu cầu, sự thuận tiện và hài lòng cho khách hàng.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước mắt và lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.