Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng rao...

Người Xây Dựng| 25/03/2015 06:24

(HNM) - Mươi năm trước, Người Xây Dựng gặp Natalie, cô sinh viên Pháp có một phần máu Việt. Học kiến trúc, nhưng Natalie lại làm một tiểu luận về tiếng rao của người Hà Nội.


Theo cô, nó rất dễ thương, gợi cảm. Những "Giầy giò ơ", "Mía nóng đê" ngân dài, hoa tươi gạo muối trên vai người mang lại cho phố phường vẻ mềm mại, bớt cứng nhắc. Trên phương diện nghiên cứu, đấy là cây cầu nối từ truyền thống trao đổi sản vật ở nông thôn sang sinh hoạt đô thị. Natalie ghi cả những ký tự cho âm thanh đặc biệt này, sợ rằng cuộc sống hiện đại không còn chỗ cho chúng.

Giờ thì những người đàn bà mặc áo the thâm rảo bước với đôi quang gánh cất giọng rao đã mất hẳn. Kỷ nguyên kỹ thuật tạo ra sự nhàn tản cho lao động mua, bán rong. "Dòng họ" này, chỉ cần một thiết bị đơn giản chạy điện, gắn trên xe đạp phát ra loa, đã tiết kiệm được bao nhiêu sức lực. Dĩ nhiên tiếng rao dài hơn, được chế biến cầu kỳ, với những "tài năng" thật dân dã.

"Bàn là quạt cháy máy bơm/mô tơ cát xét nồi cơm bộ đàm…", bài thơ lắp ghép vần vèo đem lại cảm giác ngồ ngộ. "Chuột Tuy ni di/chuột Thổ Nhĩ Kỳ/chuột gì cũng chết" và "Lông con vịt lông con ngan bán đê" nghe ra rờn rợn. Nhiều "tác phẩm" sáng tác quá đà, không sạch lỗ nhĩ thiên hạ chút nào.

Tệ nhất là "bài" của mấy anh ép platstic: "Để bảo đảm các giấy tờ khỏi bị mục LÁT…". Giọng "công văn" quan trọng hóa nhưng "níu nô" ngang nhiên ngự trị ngã tư ngã năm rộng thênh thang, đột nhập vào ngõ nhỏ phố nhỏ. Vi phạm trật tự công cộng đã đành, tệ hơn, nó "công nhận" tiếng nói ngọng trên phố, thách thức tiếng nói chuẩn. Nghĩa là một sự tụt hậu về thẩm mỹ, văn hóa. Vậy mà chả ai (ngành văn hóa, công an… chẳng hạn) đụng đến nó, như trước đây từng cấm cánh rao báo "cướp, giết, hiếp" mỗi sáng.
Một ngày đẹp trời Natalie quay lại dạo phố phường Hà Nội, rồi hỏi Người Xây Dựng: "Hà Nội bảo tồn tiếng rao này để làm di sản văn hóa phi vật thể à?".

Người Xây Dựng xin nêu lại câu chuyện với nỗi băn khoăn của Natalie, mong được các cơ quan có trách nhiệm xem xét.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng rao...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.