Theo dõi Báo Hànộimới trên

Danh hiệu khó hiểu?

Người Xây dựng| 11/06/2017 06:18

(HNM) - Đang nấu cơm chợt thấy tiếng điện thoại reo, chị Bình ở ngõ 4, phường Quang Trung, quận Hà Đông nghe máy, phía đầu dây bên kia giọng bố chồng chị hỏi gấp:

- Con ơi, ông trưởng họ đang hỏi, cháu Quang Minh đạt danh hiệu học sinh giỏi hay tiên tiến? Giấy khen hôm trước con gửi về chỉ ghi “Có tiến bộ vượt bậc về môn toán và môn tiếng Việt năm học 2016-2017” nên ông ấy không biết xếp loại khen thưởng gì.

- Danh hiệu học sinh tiên tiến bố ạ.

Nghe xong, bố chị Bình tắt máy ngay. Chị Bình đoán bố chồng nóng lòng muốn giải thích với ông trưởng họ về thành tích ghi trên giấy khen của cháu mình. Bởi năm học 2015-2016, cháu Quang Minh đạt danh hiệu “Học sinh toàn diện” (tức học sinh giỏi) nhưng bị ông trưởng họ xếp loại mức khen thưởng tiên tiến vì danh hiệu “lạ” quá.

Qua câu chuyện của chị Bình, Người Xây Dựng tìm hiểu và được biết, việc ghi vào giấy khen về nội dung khen thưởng học sinh do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì không áp dụng theo mẫu chung nên mỗi trường ghi một kiểu như: “Học sinh tiêu biểu toàn diện”, “Học sinh hoàn thành tốt nội dung các môn học và rèn luyện”, “Đạt danh hiệu học sinh toàn diện”... Năm học 2016-2017, Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 có những điểm mới trong đánh giá học sinh tiểu học nhưng chị Bình vẫn không hài lòng về cách ghi này bởi vẫn gây khó hiểu cho học sinh và phụ huynh, thậm chí cả người phát phần thưởng tại các hội khuyến học như ông trưởng họ nhà chị. Bản thân chị khi cầm giấy khen của con vẫn không biết con mình xếp loại gì. Phải chờ một tuần sau khi đi họp phụ huynh, nghe cô giáo giải thích chị mới biết con mình là học sinh tiên tiến. Chị Bình mong, việc ghi giấy khen cho học sinh tiểu học nên được đồng nhất, dễ hiểu, dễ nhận diện và giữ được “truyền thống” .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh hiệu khó hiểu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.