Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổ phế thải, “nhảy dù” chiếm bờ sông Hồng

Chí Đạo| 16/05/2011 07:04

(HNM) - Nạn đổ phế thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông, bãi sông Hồng đoạn qua các quận nội thành Hà Nội đã trở nên phổ biến và nóng bỏng từ nhiều năm nay. Thời điểm này, người dân lợi dụng nước cạn, đẩy cao tốc độ đổ chất thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông; xây dựng nhà cửa, lều lán ra sát mép sông.


Mỗi ngày lấn một ít…


Phế thi vt liu xây dng chiếm lòng sông Hng. nh: Đ Chí


Ngồi trên xuồng máy của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Hà Nội chạy từ chân cầu Thăng Long xuôi đến kè Bát Tràng (huyện Gia Lâm), chúng tôi quan sát dọc bên bờ tả, hữu sông Hồng qua các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai, có hàng trăm ngôi nhà xây dựng ngay mép sông và hàng trăm trường hợp khác đang đổ phế thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông. Vi phạm nghiêm trọng nhất là đoạn từ cầu Chương Dương đến cầu Vĩnh Tuy. Dọc hành lang sông, hàng trăm ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, phần tiếp giáp với lòng sông là những đống phế thải xây dựng cao chất ngất đang lấn dần ra lòng sông, đổ đến đâu, cây cối, nhà tạm "mọc" đến đó. Người dân đã tận dụng gần như toàn bộ chất thải của khu vực nội thành để phục vụ mục đích lấn chiếm, "nhảy dù" xuống lòng sông Hồng. Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm rất bài bản, áp dụng "kỹ thuật" lấn chiếm lòng sông thành thục, tinh vi như quây tường bao bằng những bao tải cát, đóng cọc tre, kè đá...

Tại xã Bát Tràng, bên bờ tả sông Hồng đã được UBND TP đầu tư kè thả đá hộ chân với chiều dài khoảng 1.200m. Tuy nhiên, theo thống kê của UBND xã Bát Tràng có đến 14 trường hợp người dân đổ rác thải, phế thải trái phép với khối lượng lên đến 1.385m3 lấn chiếm lòng sông. Chủ tịch UBND xã Đào Xuân Hùng cho biết, đây là hệ quả của sản xuất làng nghề gốm Bát Tràng, vì trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 200 lò hộp đốt bằng than với lượng chất thải rất lớn, nhưng điểm tập kết vẫn chưa được quy hoạch. Tương tự, tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), trong số hàng chục vụ vi phạm, có trường hợp lấn chiếm lên hàng trăm mét vuông, thậm chí cả nghìn mét vuông là chuyện thường. Để "xẻ thịt" bãi sông, đối tượng phải huy động số lượng lớn nhân công, thậm chí máy móc để quây bờ bao sau đó xúc đất, cát tôn nền đất bãi. Tại khu vực Bãi Thải (phường Tứ Liên), các trường hợp lấn chiếm từ nhiều năm trước giờ đã biến thành xưởng sản xuất, nhà hàng, nhà ở được xây tường bao, cổng sắt kiên cố. Phía ngoài sát bãi sông, những ngôi nhà tạm khác tiếp tục mọc lên như thể chưa có chuyện gì xảy ra.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Phòng Quản lý đê điều (Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Hà Nội) phân tích, người dân đổ phế thải, chất thải ra lòng sông có 2 “cái lợi”, vừa lấn chiếm được đất công, vừa giải quyết nhu cầu "tiêu thụ" chất thải, không mất phí vận chuyển và xử lý. "Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, kiến tha lâu đầy tổ, chẳng mấy chốc mà họ có một khu đất có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau" - ông Hải cho biết.

Xử lý cách nào?

Thời điểm này, lợi dụng nước sông Hồng cạn, lòng sông bị thu hẹp, tình trạng đổ phế thải xây dựng lấn sông càng gia tăng. Cùng với đó, tốc độ "đô thị hóa" ở những bãi ven sông Hồng cũng được đẩy lên cao. Hàng chục nghìn mét vuông đất bãi bị lấn chiếm và trục lợi, lòng sông thì bị "bóp nghẹt". Trực tiếp thị sát những khu vực có vi phạm trên hành lang thoát lũ sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng lo ngại với những nhà dân xây dựng sát mép sông thì khi nước lũ sông Hồng ở mức báo động I là có nguy cơ cao bị sạt lở, hậu quả khó có thể lường trước. Thực trạng này cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát lũ, chống lũ của hệ thống đê sông Hồng. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Hà Nội Đỗ Đức Thịnh khẳng định, tình trạng đổ phế thải lấn chiếm lòng sông đang diễn ra phức tạp ở các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Nhiều vụ hết sức nghiêm trọng như đào ao, xây dựng kè đá không phép tại bãi bồi sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm); xây dựng, cải tạo lều lán thành nhà ở ngoài bãi sông thuộc tuyến thoát lũ tại một số phường quận Tây Hồ...

Theo tìm hiểu của PV Hànộimới, tình trạng vi phạm đê điều hiện rất phức tạp nhưng với cách xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương kiểu "phạt cho tồn tại" như hiện nay sẽ không thể giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, phân định mốc giới lòng sông, hành lang thoát lũ chưa rõ ràng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm càng nghiêm trọng và khó xử lý.

Ngày 6-5, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có kết luận, chỉ đạo việc xử lý các vi phạm đê điều, yêu cầu một số địa phương có nhiều trường hợp vi phạm như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Sơn Tây, Phúc Thọ, Từ Liêm, Hoàng Mai xử lý kiên quyết, dứt điểm các sai phạm, xử lý trách nhiệm của cán bộ quản lý để xảy ra sai phạm. Ngày 10-5, UBND TP Hà Nội cũng ban hành kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều. Theo đó, từ ngày 25-5 đến 25-7-2011, lực lượng công an, thanh tra xây dựng, các cơ quan chức năng của quận, huyện và xã, phường sẽ tham gia xử lý, giải tỏa toàn bộ các vi phạm như làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, lều quán, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa chất vật liệu… trên mặt đê, mái đê, cơ đê và trong phạm vi 5m tính từ chân đê, trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổ phế thải, “nhảy dù” chiếm bờ sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.