Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Gọt chân cho vừa giày?

Đan Nhiễm| 05/10/2012 07:27

(HNM) - Những ngày qua, cuộc sống của người dân khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 liên tục chịu ảnh hưởng bởi các trận động đất kích thích. Trong khi đó, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) được lập từ năm 2005 lại khẳng định thủy điện này "không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường". Dưới góc nhìn của nhiều nhà khoa học, ĐGTĐMT ở Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề chứ không riêng gì ở Thủy điện Sông Tranh 2.

Thủy điện Sông Tranh 2 liên tục chịu ảnh hưởng của những trận động đất. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVNT


Lộ nhiều bất cập

Tại hội thảo "Hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam: Thực tiễn và thách thức chính sách" do Trung tâm Con người và thiên nhiên (Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam - VUSTA) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Khắc Kinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Đầu tư cho công tác ĐGTĐMT nói chung, cho việc tăng cường năng lực thực hiện ĐGTĐMT nói riêng ở Việt Nam chưa được quan tâm thỏa đáng. Chất lượng, hiệu quả bảo vệ môi trường của công tác ĐGTĐMT còn thấp so với yêu cầu.

TS Nguyễn Khắc Kinh cho rằng, chúng ta không chỉ thiếu thông tin, mà còn thiếu chuẩn mực và hướng dẫn kỹ thuật cần thiết cho ĐGTĐMT. Báo cáo ĐGTĐMT chỉ được thực hiện đơn lẻ theo từng dự án mà chưa có đánh giá tác động tổng hợp đối với tất cả các dự án trên một vùng lãnh thổ nhất định, nên chưa thấy được tác động thật sự của dự án đối với môi trường xung quanh. Mặt khác, hiện chưa có quy định hay hướng dẫn nào về mức kinh phí để lập báo cáo ĐGTĐMT đối với chủ dự án nhưng qua thực tế, mức kinh phí là rất nhỏ so với yêu cầu đặt ra. Đối với các dự án đầu tư trong nước, chủ dự án thường chỉ chi vài chục đến vài trăm triệu đồng để lập báo cáo ĐGTĐMT; với các dự án đầu tư nước ngoài cũng chỉ vào khoảng 1-2 tỷ đồng/dự án. Trong khi đó, kinh phí cho ĐGTĐMT của đa số quốc gia trên thế giới thường từ 1 đến 4 triệu USD/dự án. Mặt khác, tuy đã có quy định mức kinh phí cho việc thẩm định báo cáo ĐGTĐMT ở cấp tỉnh và cấp trung ương song khoản này còn quá nhỏ so với yêu cầu. Đối với cấp huyện, đến nay vẫn chưa có quy định về kinh phí cho việc xem xét, cấp giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 21/2008/NĐ-CP và Nghị định số 29/2011/NĐ-CP thì hầu hết dự án chỉ phải trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐGTĐMT sau khi địa điểm của dự án đã được chấp nhận. Về mặt khoa học, đây là quy trình ngược vì ĐGTĐMT có tác dụng lớn nhất đối với việc lựa chọn địa điểm của dự án. Với quy trình này, báo cáo ĐGTĐMT luôn ở tình trạng "gọt chân cho vừa giày".

Trách nhiệm không của riêng ai

Những bất cập trong việc thực hiện báo cáo ĐGTĐMT chỉ là bề nổi dễ nhận thấy trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Sự phát triển nhanh của nền kinh tế trong hơn hai thập niên vừa qua kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường và an sinh xã hội trong điều kiện sự vào cuộc của cộng đồng chưa tốt.

Tác động của các dự án khai thác khoáng sản đến môi trường vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Ảnh: Yến Ngọc

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Anh (Trung tâm Con người và thiên nhiên) cho biết, ngành ngân hàng với vai trò quan trọng là điều tiết và cấp vốn cho doanh nghiệp đến nay chưa có một chính sách, quy định hay văn bản hướng dẫn nào về việc các ngân hàng thương mại phải cân nhắc rủi ro về môi trường và an sinh xã hội khi cấp tín dụng cho các dự án. Trong khi đó, một số tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã có những bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. ADB đã từng bị Mạng lưới sông ngòi Việt Nam gây sức ép vì đã tài trợ cho dự án thủy điện Sông Bung 4 mà không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Sau đó, ADB đã phải đánh giá lại các tác động của dự án đến môi trường, dân sinh và bổ sung tham vấn cộng đồng về dự án.

Ở một góc độ tiếp cận khác, ông Ngô Thuần Khiết (Phó Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường - VUSTA) cho rằng: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, nhưng tư duy quản lý vẫn coi là việc riêng của Chính phủ, thể hiện qua việc phân bổ ngân sách sự nghiệp cho môi trường. Cụ thể là trong tổng số 451 tỷ đồng ngân sách sự nghiệp môi trường chi cho các bộ và các cơ quan trung ương khác trong năm 2010, có đến 90,12% được chuyển vào tài khoản của các bộ. Con số này của năm 2012 thậm chí còn lên đến 93,38%. Phần ít ỏi còn lại được phân bổ cho các đoàn thể chính trị, các viện, trường ĐH và VUSTA và giới khoa học dường như bị đứng ngoài hoạt động này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Gọt chân cho vừa giày?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.