Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủy điện nhỏ - Đâu chỉ phát điện là xong!

Đan Nhiễm| 11/11/2012 07:12

(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, những năm gần đây, việc xây dựng các công trình thủy điện, trong đó có thủy điện nhỏ (TĐN) được triển khai rầm rộ ở nhiều địa phương. Đằng sau những lợi ích, mặt trái của TĐN đã lộ diện...

Một nhà máy thủy điện nhỏ ở huyện Sapa, Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà

Phát triển tràn lan

Theo quy định, nhà máy có công suất lắp máy dưới 30MW được xếp vào diện TĐN. Hiện 32/63 tỉnh, thành có dự án phát triển TĐN với khoảng 1.000 dự án. Điển hình cho phong trào phát triển TĐN ở nước ta là khu vực miền Trung - Tây Nguyên với hàng trăm dự án, trong đó phải kể đến Đắc Lắc (khoảng 100 dự án), Đắc Nông (70), Gia Lai (110), Quảng Nam (44)... Khu vực miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang... cũng là nơi có nhiều công trình TĐN đã và đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, số nhà máy TĐN đi vào vận hành đến nay chỉ khoảng 100 dự án, với tổng công suất khoảng 600MW. Con số này quá nhỏ bé so với tổng công suất 13.066MW đang vận hành của hệ thống nhà máy thủy điện.

Đáng lưu ý là khu vực có dự án TĐN đều nằm ở những nơi có rừng nên việc "đánh đổi" là không thể tránh khỏi. Được biết, để có 1MW điện sẽ phải mất đi tối thiểu 10 ha rừng, có dự án "xẻ thịt" tới 16ha rừng/1MW điện. Gần đây nhất, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuyển đổi đất rừng sang làm thủy điện. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, 29 tỉnh, thành đã thực hiện chuyển đổi gần 20.000ha rừng sang làm 160 dự án thủy điện nhưng chỉ có 8/29 địa phương trồng lại 735ha rừng, chiếm 3,7% tổng diện tích đã chuyển đổi.

Ông Nguyễn Vũ Trung (Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, theo thẩm quyền, UBND các tỉnh được giao trách nhiệm quy hoạch mạng lưới TĐN trên địa bàn. Đây là lỗ hổng của chính sách vì mạng lưới sông, hồ không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến địa phận tỉnh đó. Tình trạng cạn kiệt nguồn nước đã diễn ra trên hạ lưu hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia những năm gần đây ở Quảng Nam - Đà Nẵng là điển hình...

Cũng ở miền Trung - Tây Nguyên, TĐN tuy được đầu tư ồ ạt nhưng theo báo cáo của Tổng công ty điện lực miền Trung, khi phải tiết giảm điện lưới quốc gia, hệ thống thủy điện ở đây chỉ huy động được 1 triệu kWh/ ngày. Trong khi đó, dự báo nhu cầu điện cho khu vực miền Trung đã lên tới 21 triệu kWh/ngày. Vào mùa khô, khi cả nước thiếu điện thì TĐN hầu như không có đóng góp. Ngược lại, vào mùa mưa, tình trạng dư nguồn cung điện thì các nhà máy này lại phát được tràn trề, dẫn đến nghịch cảnh thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa. Rõ ràng, TĐN sẽ không phải là cứu tinh cho tình trạng thiếu điện như chủ các dự án đã công bố.

Cần quan tâm đến hồ thủy điện

Gần như tuyệt đối các TĐN đều dùng giải pháp hồ chứa để tích nước. Điều đó tiềm ẩn nhiều hệ lụy nhiều năm sau mới xảy ra chứ không chỉ là câu chuyện mất rừng, làm thay đổi dòng chảy, thay đổi hệ sinh thái... có thể nhìn thấy ngay. Hồ chứa nếu không được quản lý tốt thì nguy cơ vỡ đập sẽ gây thiệt hại khôn lường. "Trên thế giới, tỉ lệ vỡ đập nói chung là 1%. Ở nước ta gần đây nhất, đập Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) của nhà máy thủy điện Hố Hô (công suất 14MW) đã bị lũ tràn qua gây thiệt hại nặng nề" - PGS-TS Cao Đình Triều (Hội Khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam) cho biết.

Được biết, cả nước hiện có hơn 2.100 hồ chứa có dung tích mỗi hồ từ 0,5 triệu mét khối nước trở lên, trong đó đa phần là hồ thủy điện. Theo kế hoạch, có gần 240 hồ đang được xây dựng với tổng dung tích 21 tỷ mét khối, công suất lắp máy gần 9.000MW và hơn 500 hồ nằm trong quy hoạch sẽ được xây dựng trong vài năm tới.

Xây dựng nhà máy thủy điện phải đánh đổi bằng việc mất đi một diện tích rừng đáng kể.
Ảnh: Ngọc Hà

PGS-TS Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho biết, hầu hết các hồ chứa mới chỉ có đánh giá tác động môi trường mà chưa đánh giá môi trường chiến lược như quy định của pháp luật. Thực trạng quy hoạch phát triển thủy điện đang "chặt nát" các dòng sông làm cho dòng chảy, nguồn nước rất khác biệt so với tự nhiên theo hướng ngày càng xấu. Hiện nay, hoàn toàn thiếu việc đánh giá tác động tổng hợp của hệ thống bậc thang các hồ chứa trên lưu vực sông hoặc một địa phương nên không thấy rõ những tác động bất lợi của toàn bộ các công trình trên lưu vực đến tài nguyên, môi trường và xã hội.

Theo phân cấp, việc quy hoạch hồ chứa và hồ chứa nhỏ do UBND các tỉnh phê duyệt, thường thiếu sự phối hợp kiểm tra, giám sát của các ngành ở trung ương nên việc điều chỉnh, bổ sung liên tục chạy theo cách nhìn nhận địa phương cục bộ, không phải cách nhìn mang tính tổng thể lưu vực thường xuyên diễn ra. "Các quy hoạch liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các hồ chứa ở hầu khắp các địa phương đang là "báo động: về tình trạng tùy tiện, thiếu kiểm soát từ cơ quan quản lý cấp trên. Việc xây hàng chục, thậm chí hàng trăm hồ chứa trên một lưu vực sông đang tàn phá vùng rừng đầu nguồn, tàn phá môi trường và tài nguyên là không thể chấp nhận được. Trong điều kiện ở miền Trung, khu vực Bắc và Bắc Trung bộ, nơi vùng núi cao áp sát (thường cách hạ du 30-50km) các đồng bằng nhỏ hẹp đông dân cư sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp tục xây dựng những hồ chứa trên núi cao 500-800m" - PGS-TS Lê Bắc Huỳnh cảnh báo.

Đến nay, khi "chiếc bánh vẽ" về lợi ích của TĐN đang phơi bày, quan điểm về phát triển mô hình này đã có thay đổi. Tuy nhiên, mớ lộn xộn bày ra từ trước đó với hàng trăm nghìn tỷ đồng đã đầu tư vẫn đang chờ gỡ rối và kéo theo đó là những mối lo ngại không phải là không có cơ sở.
TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam): Một công bố khoa học của Trung Quốc gần đây cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện chỉ đúng với 0,5% so với những gì đã, đang diễn ra. Tôi được biết, 80% các dự án thủy điện đều gặp vấn đề về kế sinh nhai của người dân sau tái định cư. Tái định cư không chỉ là câu chuyện cấp đất, nhà... mà còn là bài toán sinh kế của người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tuyên Quang): Thủy điện Tuyên Quang đã thu hồi 7.300ha đất, di dời 4.000 hộ dân nhưng đến nay 40% trong số đó trở thành hộ nghèo và hộ cận nghèo ở nơi ở mới...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện nhỏ - Đâu chỉ phát điện là xong!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.