Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay xử lý vi phạm thu gom, tiêu hủy chất thải

Tư Đô - Đà Đông| 12/09/2013 06:23

(HNM) - Gần đây, trên địa bàn Hà Nội, dư luận hết sức quan tâm vụ việc chất thải từ sân bay Nội Bài không biết



Gần đây, trên địa bàn Hà Nội, dư luận hết sức quan tâm vụ việc chất thải từ sân bay Nội Bài không biết "đi đâu, về đâu". Trong khi đó, tình hình thực hiện đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn và chủ trương xã hội hóa công tác này trên địa bàn Thủ đô chưa đạt kết quả như mong đợi khiến dư luận không khỏi quan ngại.

Việc xây dựng, đầu tư hệ thống gom và xử lý chất thải rắn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các đô thị lớn. Ảnh: Hải Anh


Nguồn nước bị đe dọa nghiêm trọng

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội, vi phạm gây ô nhiễm môi trường những năm qua diễn ra phổ biến, nghiêm trọng trên mọi địa bàn, lĩnh vực. Liên quan đến hoạt động xả thải, hiện trên địa bàn thành phố có 1.270 làng nghề, trong đó 95% thải nước chưa qua xử lý ra môi trường. Ngoài ra, TP Hà Nội còn có 8 khu công nghiệp, 37 cụm công nghiệp và hơn 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp; hơn 150 bệnh viện, trung tâm y tế, hơn 2.000 phòng khám đa khoa, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa mỹ phẩm; hơn 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, chợ và siêu thị; hơn 460 điểm giết mổ gia súc, gia cầm... Những con số trên cộng với khoảng 8 triệu người xả chất thải sinh hoạt mỗi ngày khiến cho vấn đề bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là an toàn nguồn nước đứng trước thách thức rất lớn.

Trước đây, việc xử lý chất thải bị phó mặc cho công ty công ích. Gần đây, với chủ trương xã hội hóa, việc xử lý chất thải có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn đứng đắn. Phần nhiều trong số các cơ sở có "mác" xử lý chất thải nhưng không có năng lực xử lý mà chỉ có phương tiện vận chuyển. Một số doanh nghiệp nhận xử lý chất thải nhưng thực chất chỉ hoàn thành công đoạn đưa chất thải ra khỏi hiện trường rồi tự xả thải vào môi trường... Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội cho biết, hiện để xử lý chất thải hầm cầu trong nội thành mới có duy nhất một cơ sở đủ năng lực. Đây là điều khó chấp nhận với một đô thị đang phát triển nhanh, quy mô dân số lớn như Hà Nội và đó cũng chính là lý do dẫn đến tình trạng đổ trộm chất thải, quá tải nơi chứa chất thải, gây ô nhiễm môi trường đô thị, đe dọa nguồn nước.

Minh chứng là vụ việc xảy ra ngày 5-8, sau khi hút chất thải hầm cầu công trình xây dựng trên phố Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), tài xế xe chứa BKS 29C-012.43 đã xả thẳng chất thải ra khu vực đường Trần Bình Trọng (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm). Sáng 9-9, Đội Cảnh sát môi trường - CA quận Long Biên kiểm tra Công ty Wash A.S.H Việt Nam (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), chuyên dịch vụ giặt các loại quần áo, phát hiện công ty này thiết kế đường ống hơn 30 mét, chôn ngầm dưới đất, nối từ xưởng sản xuất, xả nước thải ra thẳng sông Đuống.

Chế tài vừa nhẹ vừa thiếu

Quay trở lại vụ việc Công ty Vedan bị phát hiện cho nước thải không qua xử lý chảy thẳng ra sông Thị Vải (Đồng Nai) khiến người dân sống các vùng ven sông khốn đốn. Sau hai năm đấu tranh, đồng thời cũng nhờ áp lực dư luận... Vedan mới chịu bồi thường. Điều đó cho thấy thực tế là cơ sở pháp lý để giải quyết nạn xả thải còn nhiều bất cập. Trong Bộ luật Hình sự, Điều 183 về tội "gây ô nhiễm nguồn nước" quy định: Người xả thải gây ô nhiễm chỉ bị phạt tù tối đa 3 năm, với điều kiện trước đó đã bị xử lý hành chính hoặc hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không, hành vi xả thải chỉ bị phạt hành chính với mức "khởi điểm" là 10 triệu đồng. Mức phạt quá thấp so với kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải... Năm 2012, Cảnh sát môi trường Hà Nội phát hiện 1.839 vụ việc vi phạm về môi trường. Phần lớn trong số đó (hơn 1.700 vụ) chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 16,5 tỷ đồng.

Việc xử lý vi phạm càng khó khăn hơn ở khu vực các làng nghề truyền thống do số lượng hộ sản xuất rất đông, tập quán xả thải bừa bãi còn khá phổ biến. Theo thống kê, riêng các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... đã "đóng góp" một lượng nước thải khủng khiếp chưa qua xử lý ra môi trường (có nơi khoảng 7.000m3/ngày), do quá trình rửa tẩy nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất...

Tình hình trên cơ quan chức năng nắm rất rõ nhưng để xử lý thì phải có giải pháp tổng thể, không thể chỉ xử phạt. Giải pháp tổng thể đó phải bắt đầu bằng việc đầu tư cơ sở kỹ thuật cho việc xử lý chất thải, nhất là chất thải dạng lỏng, sau nữa là cần một hệ thống công cụ pháp lý đủ mạnh để buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm đến việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải...

Hiện nay, cơ quan CA vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc liên quan đến quá trình xử lý chất thải từ sân bay Nội Bài. Chỉ huy Phòng Cảnh sát môi trường cho biết, song song với quá trình điều tra, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu một chuyên đề về giải quyết tình trạng xả thải gây ô nhiễm. Tuy nhiên, đích đến của chuyên đề này sẽ chỉ dừng lại ở việc kiến nghị lãnh đạo thành phố về một giải pháp tổng thể và chắc chắn, để quản lý được chất thải đe dọa nguồn nước còn phải chờ thêm nhiều năm nữa.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay xử lý vi phạm thu gom, tiêu hủy chất thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.