Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở lối cho hàng Việt vào Châu Âu

Đình Hiệp| 01/09/2013 06:09

(HNM) - Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại CH Séc (Vinasme.cz) đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa hàng Việt sang quảng bá và thâm nhập thị trường CH Séc nói riêng, khu vực Châu Âu và Đông Âu nói chung.

- Xuất phát từ ý tưởng nào mà Vinasme.cz lại đẩy mạnh xúc tiến đưa hàng Việt thâm nhập thị trường CH Séc và Châu Âu?

Cùng với sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, số lượng các doanh nghiệp ở Séc những năm qua cũng tăng. Tuy nhiên có một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu nói chung và Đông Âu nói riêng, trong đó có Séc lại đang tiêu thụ, phân phối hàng hóa của Trung Quốc, Thái Lan kém chất lượng… Trong khi đó hàng Việt muốn nhập vào thị trường này lại gặp nhiều khó khăn, do không có sự hướng dẫn chuyên nghiệp về mọi mặt. Với vị trí địa chiến lược nằm ở trung tâm Châu Âu, giao thông thuận tiện, nhiều kho tàng bến bãi, hải quan thông thoáng và không đánh thuế hai lần… ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Séc - Liên minh Châu Âu (EU). Nhiều người trong số họ muốn kinh doanh, phân phối hàng Việt với các doanh nghiệp Việt Nam trong nước. Đây cũng là địa chỉ lý tưởng để hàng Việt được cọ sát thực tế tại thị trường Châu Âu. Nhận thức được nhu cầu và tiềm năng của sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tại Châu Âu nói chung, Séc nói riêng, Vinasme.cz phối hợp với Phòng Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Séc, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và bán lẻ Séc (amsp.cz) và một số cơ quan khác ký hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng sang thị trường Châu Âu, được quảng bá sản phẩm tại Trung tâm triển lãm quốc tế tại Brno và Praha (CH Séc)…

Ông Chu Văn Dân.


- Vậy theo ông đâu là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam tại Séc?

- Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc đã hoạt động khá lâu. Nhiều người trong số những doanh nhân này từng sang học tập, lao động rồi ở lại chuyển sang kinh doanh nên hiểu biết pháp luật, thủ tục hành chính cũng như văn hóa của nước sở tại. Đây là lợi thế lớn trong giao thương với các doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ quan hành chính của Séc. Với khoảng 65.000 người Việt Nam sinh sống hợp pháp tại Séc - quốc gia chỉ có 10 triệu dân - cộng đồng người Việt đã thâm nhập được vào hầu hết các tỉnh, thành phố và huyện thị của nước này. Không những thế, người Việt tại Séc còn nổi trội hơn người bản xứ trong những công việc kinh doanh nhỏ lẻ như buôn bán hàng hóa, tạp hóa, phục vụ dịch vụ…

- Trong bối cảnh đó Vinasme.cz đã và đang làm gì để kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Việt Nam ở Séc, thưa ông?

- Với tư cách là đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Séc, đồng thời là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Séc, Vinasme.cz có đủ tư cách pháp lý của hai nhà nước để bảo đảm cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đúng pháp luật, đúng quy trình hội nhập doanh nghiệp quốc tế và có chỗ đứng trong thị trường Séc. Với kinh nghiệm của mình, Vinasme.cz sẽ tư vấn về thủ tục ban đầu, giới thiệu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Séc. Sau khi các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường đầu tư kinh doanh tại Séc, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ mọi mặt, đặc biệt tư vấn xem sản phẩm của họ có thể cạnh tranh được tại thị trường Séc cũng như Châu Âu hay không.

Vinasme.cz có cơ chế để kiểm soát chất lượng hàng hóa, chống bán phá giá cũng như mối quan hệ với các cơ quan sở tại để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mới bắt đầu xâm nhập vào thị trường này đưa ra khả năng tạo dựng thương hiệu tại Séc - EU cho các doanh nghiệp tiềm năng. Được sự hỗ trợ của các tổ chức liên quan, Trung tâm môi giới quảng bá và trung chuyển hàng xuất khẩu Việt Nam tại Praha sẽ được thành lập và đi vào hoạt động vào đầu năm 2015, hoạt động song song với các cuộc hội chợ triển lãm quốc tế thường kỳ tại Praha và Brno. Nhiệm vụ của trung tâm là thông tin về xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam và Séc, là nơi trung chuyển giao thương hàng hóa và có các gian trưng bày sản phẩm kèm theo các văn phòng tư vấn nghiệp vụ thương mại…

- Theo ông, các doanh nghiệp trong nước cần làm gì để thúc đẩy liên kết cũng như đưa hàng Việt sang Séc và ra nước ngoài nhiều hơn?

- Chúng tôi mong các doanh nghiệp trong nước tạo ra môi trường sản xuất hàng hóa bền vững. Đó là phải có thương hiệu, có nguồn và xuất xứ rõ ràng. Sau đó các doanh nghiệp đưa sản phẩm sang Séc để chúng tôi đánh giá, cho cọ sát thị trường xem sản phẩm đó có phát triển được không hoặc tư vấn củng cố những mặt mạnh, cải thiện mặt yếu trong sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp. Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần hỗ trợ để các doanh nghiệp có những sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu và quốc tế để tăng lợi thế cạnh tranh.

- Mới đây cộng đồng người Việt tại Séc được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia Trung Âu này. Điều này tạo lợi thế gì cho các doanh nghiệp cũng như người Việt tại đây?

- Như Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Đỗ Xuân Đông đã nói, đây là tiếng nói ban đầu cho thấy nước sở tại đánh giá cao vị thế của cộng đồng người Việt cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại đây. Hy vọng thời gian tới cuộc sống của người Việt tại Séc sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn và hàng hóa Việt sẽ có thị trường lớn hơn tại quốc gia này.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở lối cho hàng Việt vào Châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.