Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh mẽ vươn lên trên quê hương thứ hai

Kim Phượng| 01/09/2013 06:11

(HNM) - Cùng với Mỹ, Pháp thì Australia là đất nước có số lượng người Việt Nam đang cư trú và sinh sống nhiều nhất, đồng thời là 1 trong 5 nhóm sắc tộc lớn nhất ở quốc gia này (cùng với người Anh, New Zealand, Italia và Trung Quốc).



Theo website người Việt tại Australia, cộng đồng Việt Nam tại Australia là một cộng đồng trẻ với 50% dưới 35 tuổi. Trong hơn hai thập niên qua, có thêm trên 60.000 em bé có dòng máu Việt Nam được sinh ra tại Australia.

Khu trung tâm chợ Cabramatta (Australia) bán đầy đủ các loại rau củ quả, trái cây và thực phẩm Việt Nam.


Vì lý do ngôn ngữ, liên hệ gia đình, việc làm và nhất là do tình đồng hương, đa số người Việt sống quây quần với nhau phân bố nhiều nhất ở các bang New South Wales (40,4%), Victoria (36,5%), Queensland (7,3%). Trong các bang, những địa phương đông người Việt nhất là Cabramatta, Kingspark, Springvale... Cabramatta nằm ở ngoại ô phía tây thành phố Sydney được mệnh danh là "Vietnamatta" hay "thủ đô" của người Việt. Bước chân vào từng con đường, ngõ phố ở Cabramatta, bạn sẽ chỉ gặp người Việt, nói tiếng Việt và xung quanh là hàng trăm cửa hàng mua bán, các doanh nghiệp, công ty thương mại, dịch vụ dành cho người Việt. Ước tính có đến 40.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây. Khu vực này bắt đầu tập trung đông đúc người Việt vào khoảng năm 1980. Chỉ hơn 30 năm sau, với bản tính cần cù chịu khó, làm việc chăm chỉ, siêng năng, cộng đồng người Việt đã biến khu vực còn hoang sơ ở phía tây Sydney này trở thành một nơi đông đúc, buôn bán sầm uất, cuộc sống thịnh vượng, phồn vinh. Trung tâm thương mại chính của Cabramatta mang đến cảm giác của một khu chợ ở Sài Gòn. Trong khi những người Việt sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới thèm một cọng rau muống để nấu canh thì nơi đây có tất cả: Từ rau muống, cải xanh, đậu bắp cho đến dưa cà, mướp đắng, mướp… Các loại rau thơm còn đầy đủ hơn nữa như húng quế, mùi tàu, rau mùi, rau răm, nghệ, riềng, xả, ớt… Trái cây thì tràn ngập sầu riêng, măng cụt, xoài cát, mận, ổi… Các loại rau ở đây đều do chính người Việt tự trồng ngay tại Australia chứ không phải nhập khẩu từ Việt Nam. Bên ngoài khu chợ tập trung rất nhiều công ty, doanh nghiệp dịch vụ, chủ yếu để phục vụ cộng đồng người Việt.

Thành phố xinh đẹp Adelaide của miền nam Australia cũng là nơi có nhiều người Việt cư trú. Dù dân cư ở thành phố này khá thưa thớt (chỉ khoảng 1,2 triệu người) nhưng không khó bắt gặp người Việt khi đi trên xe buýt, tàu điện hay ở những nơi công cộng. Khu phố tập trung khá nhiều người Việt ở Adelaide là Arndale, cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Cùng với sự phát triển của cộng đồng người Việt tại các khu vực như Arndell, Hanson Street, Rundell Street, ẩm thực Việt Nam đã ngày càng trở nên phổ biến và được người dân địa phương yêu thích. Vì thế, các nhà hàng của người Việt ngày càng ăn nên làm ra, trong đó phải kể đến "Vietnam Restaurant". Thực đơn các món "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam như nem, phở cũng trở thành nội dung học tại các trường dạy nấu ăn ở Adelaide. Ví dụ điển hình cho trào lưu ảnh hưởng của văn hóa Việt ở Adelaide là dự án trị giá gần nửa triệu USD nhằm xây dựng khu bảo tồn văn hóa Việt mang tên Vietnamese Reserve tại phía đông thành phố. Khánh thành vào ngày 10-2-2005 trong dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu, Vietnamese Reserve - thường được gọi với cái tên Vườn Tao Đàn là khu bảo tồn văn hóa Việt Nam có quy mô lớn đầu tiên ở tiểu bang South Australia. Theo lời ông Jay Weatherill, Bộ trưởng Bộ Địa chính, công trình này đánh dấu sự ghi nhận của chính quyền địa phương về những đóng góp đầy ý nghĩa của cộng đồng người Việt trong quá trình xây dựng một Adelaide mang đầy dấu ấn đa văn hóa.

Có thể thấy Australia đã thực sự là quê hương thứ hai của những người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây. Với sự đoàn kết, gắn bó, thường xuyên có những sinh hoạt cộng đồng nhằm giữ gìn văn hóa và bản sắc Việt, những người con xa quê đã vươn lên mạnh mẽ và tạo dựng cuộc sống đầm ấm, thịnh vượng tại xứ sở Chuột túi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạnh mẽ vươn lên trên quê hương thứ hai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.