Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác khoa học Việt Nam - Ba Lan: Khẳng định bước tiến mới

Khánh Nam| 20/07/2014 06:11

(HNM) - Hàng chục nhà khoa học Việt Nam vừa được Trường Đại học Mỏ - Địa chất ở cố đô Kraków mời sang dự hội thảo quốc tế đầu tiên có tên

Không chỉ có hơn 30 nhà khoa học hàng đầu từ Việt Nam sang dự mà còn có khoảng 10 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở các trường đại học và viện nghiên cứu ở các thành phố lớn của Ba Lan cũng có mặt.

Các nhà khoa học Việt Nam - Ba Lan tham gia hội thảo.


Hội thảo đã điểm lại quá trình hợp tác nghiên cứu mới nhất trong ngành địa chất và mở rộng sang những dự án và khả năng nghiên cứu trong các ngành khác giữa hai nước, với tầm nhìn cho một giai đoạn hợp tác mới về khoa học. Trong một tuần lễ, các chuyên gia địa chất của hai nước đã cùng nhau chia sẻ kiến thức nghề nghiệp qua các buổi hội thảo trên giảng đường, trao đổi kinh nghiệm cuộc sống qua những buổi dã ngoại được ban tổ chức khéo léo sắp xếp từ trước.

Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Văn Giảng - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu Việt Nam phối hợp với GS Jadwiga Jarzyna ở Đại học AGH của Ba Lan tổ chức. Không chỉ tập trung vào các vấn đề mỏ - địa chất, hội thảo còn nhìn rộng ra các lĩnh vực khoa học giáo dục khác mà đôi bên có thể hợp tác phát triển, qua phần trình bày của nhiều khách mời.

Phần trình bày chuyên ngành của các chuyên gia cho thấy, Ba Lan và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ và tích cực trong lĩnh vực mỏ - địa chất trong vài năm trở lại đây, với phần trợ giúp tài chính từ các quỹ khoa học của Liên minh Châu Âu (EU). Chuyên gia hai nước khảo sát từ vấn đề môi trường cho các khu mỏ và trữ lượng khoáng sản ở phía Bắc, cho đến vấn đề nước ngầm và "hố tử thần" tại các đô thị phía Nam.

Mặc dù thực tế là một số tiến sĩ địa chất của Việt Nam hiện đã trở thành doanh nhân thành đạt tại các khu chợ Việt Nam ở Ba Lan, thế nhưng những người còn ở lại với nghề, ví dụ như PGS.TS Nguyễn Văn Giảng, đã làm giới khoa học Ba Lan choáng ngợp với các bước tiến kiên trì của mình nhằm nắm bắt công nghệ tiên tiến của thế giới và làm chủ thiết bị hiện đại mà ngay cả ở Ba Lan cũng chưa kịp trang bị. Nếu trước kia Ba Lan là địa chỉ để sinh viên Việt Nam sang học nghề địa chất thì ngày nay Việt Nam lại là địa chỉ để sinh viên Ba Lan sang thực tập nâng cao trình độ. Trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành, tên của các nhà khoa học Ba Lan và Việt Nam đã đứng cạnh nhau, đồng tác giả trong cùng một chương trình nghiên cứu. Dữ liệu địa chất của hai nước được chia sẻ và so sánh để xây dựng học thuyết khoa học cho ngành địa chất thế giới. Vì thế, hội thảo quốc tế lần này là cơ hội để tập trung tất cả các công trình và tác giả về cố đô Kraków của Ba Lan để tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.

Điểm lại quá trình hợp tác khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Ba Lan, ông Hồ Chí Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan ghi nhận những công trình mà chuyên gia Ba Lan đã giúp Việt Nam từ sau ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 như: Nhà máy gạch silicat Lĩnh Nam, Nhà máy bê tông Thịnh Liệt, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, hai nhà máy đóng tàu mang tên Hạ Long và Bạch Đằng, hệ thống bản đồ địa chất, mỏ khai thác ngầm… Trong 10 năm trở lại đây, chương trình hợp tác Ba Lan - Việt Nam trong lĩnh vực địa chất nổi bật lên với 42 bài báo quốc tế trên tạp chí khoa học có uy tín và hội thảo chuyên đề, kết quả của 24 lượt các nhà địa chất Ba Lan sang Việt Nam đi thực địa và 17 lượt các nhà địa chất Việt Nam sang Ba Lan trao đổi khoa học. Hai đối tác chính trong chương trình này là Đại học Mỏ - Địa chất AGH của Ba Lan và Viện Địa chất (thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam). Bên cạnh đó là rất nhiều dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo đang được xúc tiến giữa nhiều đơn vị khác nhau, với mục tiêu sẽ là một thế hệ thạc sĩ và tiến sĩ khoa học với đẳng cấp EU và quốc tế cho Việt Nam.

Nếu trong những thập niên 1960-1980, hợp tác khoa học là do các cấp nhà nước phối hợp với mục tiêu Ba Lan giúp Việt Nam thì hiện nay hợp tác khoa học chủ yếu là do các cá nhân và cơ sở khoa học chủ động xây dựng. Thông qua đơn vị nơi mình đang làm việc, mỗi cá nhân đều cố gắng đem khoa học Ba Lan về Việt Nam và đem sinh viên Việt Nam sang Ba Lan để bước vào ngôi nhà khoa học Châu Âu và thế giới. Có nhiều nhà khoa học Việt Nam làm việc trong các ngành toán - lý - y khoa và tự nhiên ở các cơ sở nghiên cứu của Ba Lan, bên cạnh một số chuyên gia trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đó là con đường khẳng định vị thế mới cho một nước Việt Nam phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác khoa học Việt Nam - Ba Lan: Khẳng định bước tiến mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.