Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ gìn văn hóa dân tộc

Bài, ảnh: Hồng Anh| 01/02/2015 06:14

(HNM) - Với mục đích giúp thế hệ thứ hai, thứ ba con em các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam để giữ gìn bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam miễn phí.

Thực tế cho thấy, đa số gia đình đa văn hóa Việt - Hàn đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Hàn, vì các cô dâu Việt phải học tiếng Hàn để hòa nhập với gia đình nhà chồng nên trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba thường không biết tiếng Việt. Chỉ có số ít gia đình, bố mẹ phối hợp để dạy các con nói và hiểu được hai thứ tiếng. Đây là thực tế đáng suy nghĩ khiến những ai quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ có dòng máu Việt ở xứ Kim Chi phải trăn trở khi số người Việt sinh sống tại Hàn Quốc ngày càng tăng nhanh. Điều đó được thể hiện qua việc tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ thứ hai được Chính phủ Hàn Quốc đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh lựa chọn. Vì thế, nhu cầu học tiếng Việt tại Hàn Quốc ngày càng tăng khi nhiều phụ huynh muốn con em mình biết và sử dụng thành thạo tiếng Việt để các con lớn lên không quên nguồn cội.

Thế hệ thứ hai người Việt Nam ở Hàn Quốc học tiếng Việt.


Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: "Đại sứ quán cũng như Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc và các chi hội địa phương luôn quan tâm, coi đó là một trong những trọng tâm trong công tác cộng đồng tại địa bàn. Mong muốn này đã có từ lâu, nhưng mãi đến năm 2008 chúng tôi mới bắt đầu thảo luận về chương trình và hỗ trợ các tình nguyện viên tham gia giảng dạy cho các lớp học do Tổ chức bảo vệ trẻ em Hàn Quốc và Ngân hàng Hana của Hàn Quốc tổ chức. Từ đó đến nay đã có thêm vài trung tâm và lớp học tiếng Việt được mở ra tại một số nơi ở Seoul và các vùng phụ cận".

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Hội đã tổ chức các lớp học miễn phí và mời các thầy cô giáo là lưu học sinh Việt Nam đang học thạc sĩ, tiến sĩ các chương trình ngôn ngữ tại Hàn Quốc đứng lớp. Ngoài ra, Hội cố gắng chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập của các cháu.

Chị Bình, phụ trách lớp tại Seoul chia sẻ: "Học tiếng Việt đối với các cháu thường chỉ diễn ra trong ngày thứ bảy, chủ nhật khi cha mẹ được nghỉ. Chúng tôi tự soạn giáo án áp dụng theo chương trình giáo dục ở Việt Nam và có thay đổi chút để phù hợp với các cháu. Chúng tôi dạy đầy đủ các môn, từ ngữ pháp tiếng Việt cho tới chính tả, lịch sử". Theo chị Bình, do đặc thù tại địa bàn, lớp học tiếng Việt ở đây được chia thành nhiều trình độ khác nhau. Các em mới bắt đầu học sẽ được dạy tập đọc, tập viết. Các em khá hơn sẽ được dạy về ngữ pháp, viết câu văn, học về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán Việt Nam. Sau gần một năm kể từ ngày bắt đầu khóa học, đa phần các cháu đều có thể hiểu và nói được tiếng Việt khá tốt, qua đó thêm yêu quê hương, đất nước và tự hào là người Việt Nam. Lớp vừa bế giảng khóa đầu tiên để các cháu nghỉ đông và dự kiến khóa mới sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới".

Với tình yêu và tâm huyết trong việc truyền dạy ngôn ngữ dân tộc cho các thế hệ đi sau, các lớp dạy tiếng Việt tại Hàn Quốc đang dần khẳng định được vai trò quan trọng là nơi "gieo mầm" tiếng mẹ đẻ cho thế hệ thứ hai, thứ ba của gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Ông Trần Hải Linh trăn trở, do kinh phí hạn chế nên việc duy trì và phát triển các lớp học gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với những thành quả mà các học trò nhỏ tuổi đạt được đã tiếp thêm nghị lực cho những người làm công tác tình nguyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn văn hóa dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.