Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn, phát triển tiếng Việt ở nước ngoài

Quỳnh Dương| 21/08/2016 07:05

(HNM) - Sau 2 tuần triển khai với nhiều hoạt động hiệu quả, ngày 21-8, tại Hà Nội, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài đã kết thúc.

Mặc dù thời gian không dài, nhưng khóa tập huấn đã mang đến cho các học viên nhiều cảm hứng và kiến thức bổ ích. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu để các giáo viên tham dự sự kiện này tiếp tục hành trình bảo tồn, phát triển tiếng Việt ở "xứ người" trong thời gian tới.

Các học viên khóa tập huấn dự giờ tại Trường Tiểu học Vinschool Hà Nội.


Đây là năm thứ ba khóa tập huấn được Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. So với lần trước, số lượng giáo viên và tình nguyện viên trở về nước tham dự khóa tập huấn tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng kiều bào trong việc giảng dạy tiếng Việt cho con em mình cũng như tính hữu ích của khóa tập huấn. Chị Lê Thị Bích Hường, hiện là chuyên viên ngôn ngữ Pháp - Việt của Tòa án thành phố Bologna (Italia) cho biết, tham gia khóa tập huấn là một cơ hội tốt cho những người có nhiệt huyết và mong muốn giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ con cháu sinh ra ở nước ngoài. Sắp tới, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Italia - Việt Nam, chị Hường sẽ đứng ra mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt tại Bologna. Khóa tập huấn này tạo điều kiện cho chị học hỏi phương pháp giảng dạy tiếng Việt một cách chính quy và trao đổi kinh nghiệm với những người đi trước.

Còn theo chị Phạm Mỹ Dung, Chủ tịch Hội Quảng bá và Phát triển văn hóa tân di dân, huyện Tân Trúc, Đài Loan (Trung Quốc), khóa tập huấn này có nhiều nội dung thiết thực. Các giảng viên chuyển tải được những kinh nghiệm thực tế giảng dạy mà học viên cần bổ sung. Chị Dung chia sẻ, theo kế hoạch, năm 2018, chính quyền Đài Loan sẽ đưa tiếng Việt vào giảng dạy chính thức ở các trường cấp I, II. Vì vậy, thời gian qua, nhiều lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt đã được Hội Quảng bá và Phát triển văn hóa tân di dân tổ chức. Năm 2015, khu vực Tân Trúc đã có tới 50 giáo viên tham gia. Còn tới thời điểm hiện tại, có tới 120 giáo viên đăng ký tham gia lớp học sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới. Chị Dung hy vọng sẽ trao đổi được toàn bộ những gì tiếp nhận được từ khóa tập huấn tại Ủy ban cho các chị em có kế hoạch tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Tân Trúc.

Tuy nhiên, công tác dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ông Trần Văn Lực, giáo viên dạy tiếng Việt tại Thái Lan cho biết, kiều bào ta hội nhập tốt vào xã hội sở tại nhưng thế hệ thứ ba, thứ tư hầu như không nói được tiếng Việt. Hiện ở Thái Lan chưa có trường lớp chính quy, việc dạy và học tiếng Việt diễn ra theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ. Các lớp học được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, miễn phí. Hội Người Việt tự tổ chức các lớp học cho nhiều lứa tuổi và sử dụng giáo trình tự biên soạn trên cơ sở bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Ông hy vọng, trong thời gian tới, công tác giảng dạy tiếng mẹ đẻ ở Thái Lan sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Chính phủ Việt Nam để việc dạy tiếng Việt được quy chuẩn hơn.

Tiếng mẹ đẻ có vai trò đặc biệt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như duy trì sự gắn bó với quê hương đất nước, nhất là trong gia đình, khi mà các thế hệ thứ ba, thứ tư hoàn toàn được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Vì vậy, việc dạy, học cũng như bảo tồn tiếng Việt đang là nhu cầu ngày càng thiết yếu đối với cộng đồng gần 4,5 triệu người Việt đang làm việc và sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát triển tiếng Việt ở nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.