Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Hà Nội: Siết chặt kiểm soát, kiểm dịch

Ngọc Quỳnh| 04/11/2018 06:45

(HNM) - Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, ở Trung Quốc đã xuất hiện dịch bệnh ở tỉnh Vân Nam, giáp với các tỉnh phía Bắc nước ta.

Trong khi đó, TP Hà Nội là địa phương có số lượng đàn lợn lớn, lượng tiêu thụ thực phẩm nhập khẩu khá nhiều. Trước tình hình này, thành phố chỉ đạo sở, ngành liên quan và địa phương không được phép chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó có siết chặt kiểm soát vận chuyển, kiểm dịch động vật.

Đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội).


Nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, Trung Quốc đã có khoảng 53 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 13 tỉnh, trong đó có tỉnh Vân Nam, giáp biên giới phía Bắc của Việt Nam. Ở Trung Quốc đã có hơn 210 nghìn con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu..., nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, vùng có dịch bệnh là rất cao.

Vì thế, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, bởi Hà Nội là địa phương tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố và có nhiều trục đường giao thông quan trọng ra vào Thủ đô. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày cơ quan chức năng thành phố kiểm soát gần 4 nghìn con lợn nhập từ các tỉnh về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Ngoài ra, hiện tổng đàn lợn của thành phố khoảng 1,6 triệu con, tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60%, gây khó khăn cho kiểm soát dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng nguy cơ xảy ra dịch đang cận kề, bởi thời tiết và diễn biến dịch bệnh khá phức tạp. Cùng với đó, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân Hà Nội tăng khoảng 20% sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm soát, kiểm dịch sản phẩm động vật. Trong đó, trung bình một ngày thành phố tiêu thụ khoảng 20 nghìn tấn thịt lợn hơi, trong tháng Tết có thể tăng lên 24 nghìn tấn. Do đó, nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là từ các tỉnh giáp biên giới vào Hà Nội là điều khó tránh khỏi.

Sẵn sàng ứng phó khi có dịch

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở xã Châu Can, huyện Phú Xuyên.


Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) rất lo ngại trước thông tin về dịch tả lợn châu Phi, bởi quy mô trang trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã khá lớn, gồm 650 con lợn nái, 6 nghìn con lợn thịt. Đáng nói, dịch bệnh nguy hiểm này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị, tỷ lệ chết từ 70 đến 100%, tốc độ lây lan nhanh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, Hợp tác xã Hoàng Long đã thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định về vệ sinh an toàn thú y. Đồng thời bố trí cán bộ kỹ thuật, công nhân thường trực tại trang trại, phun thuốc sát trùng định kỳ 2 ngày/lần ở bên ngoài chuồng nuôi và 1 tuần/2 lần trong chuồng nuôi; 1 ngày/lần khu vực xung quanh trang trại. Cùng với đó là thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn, cho lợn ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm vitamin để tăng sức đề kháng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT và các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm. Trong đó đã đưa ra hai tình huống cụ thể, gồm tập trung thực hiện các giải pháp khi chưa có dịch xảy ra và những biện pháp để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp có dịch xảy ra. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thực hiện nhiệm vụ trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh từ ngày 1-10 đến 30-12-2018 tại 30 quận, huyện, thị xã để hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp: Chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho đàn lợn...

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, các cấp, ngành của thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt đã tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Hiện nay, thành phố đang duy trì hoạt động 24/24 giờ của 4 trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ở Ba La, Ngọc Hồi, Dốc Lã, chốt Trung Giã - Sóc Sơn nhằm kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào thành phố. Đồng thời duy trì 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành ở các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì, Đông Anh để thực hiện kiểm dịch vận chuyển lưu thông, nhập lợn từ các tỉnh, thành phố như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng… về Hà Nội tiêu thụ.

"Chính quyền cấp huyện, cấp xã của thành phố đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư; thực hiện lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao để dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh; kiểm tra, xử lý vi phạm về nhập lậu lợn, nhập lợn không rõ nguồn gốc để hạn chế mầm bệnh có thể phát sinh trong môi trường", ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Hà Nội: Siết chặt kiểm soát, kiểm dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.