Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn

Ngọc Quỳnh| 07/11/2018 06:48

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về

Lò giết mổ bán công nghiệp ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).


Còn ít cơ sở giết mổ theo quy hoạch

Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày 12-12-2012. Đến nay, sau gần 6 năm thực hiện, thành phố đã hình thành được các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp; số hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đã giảm. Năm 2012, toàn thành phố có 2.500 hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ thì hiện nay giảm xuống còn khoảng 1.000 hộ. Tỷ lệ sản phẩm giết mổ được kiểm soát và bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ 12% năm 2012 đã tăng lên 59% năm 2018.

Tuy nhiên, số lượng cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung theo quy hoạch còn ít, hoạt động chưa hiệu quả. Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện nay, một số cơ sở giết mổ tập trung đã dừng hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng không hết công suất thiết kế. Một số điểm giết mổ quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương nên không triển khai được. Mặt khác, chính quyền một số địa phương chưa có chính sách thu hút, khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư, không bố trí được vốn đầu tư, gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng...

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cũng chia sẻ về khó khăn của địa phương. Toàn huyện có 43 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, theo quy hoạch của thành phố, huyện triển khai 7 điểm giết mổ tập trung nhưng đến nay mới hoàn thành được 5 điểm. 2 điểm còn lại chưa bố trí được quỹ đất và kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) Chử Văn Hải, trên địa bàn xã có điểm giết mổ bán công nghiệp của Công ty cổ phần Thịnh An hoạt động từ năm 2002 với công suất giết mổ khoảng 2.000 con lợn/ngày. Tuy nhiên, trên hồ sơ, diện tích xây dựng cơ sở giết mổ vẫn là đất nông nghiệp, nên doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) cho biết, thực tế nhiều địa phương quy hoạch điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhưng thiếu kiên quyết xóa điểm giết mổ nhỏ lẻ, dẫn tới nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này với chi phí hàng chục tỷ đồng, song hoạt động cầm chừng vì không cạnh tranh được.

Có lộ trình đóng cửa điểm giết mổ nhỏ lẻ

Để đáp ứng nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về "Thực hiện công tác quy hoạch và quản lý trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố đến năm 2020". Theo đó, đến năm 2020 sẽ giảm 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tiến tới đóng cửa, đình chỉ hoạt động các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; đưa vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung theo quy hoạch và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Để làm được việc này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, các huyện, thị xã cần đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín. Đồng thời, thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn gắn với các chợ bán sản phẩm thịt hiện có ở mỗi địa phương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu.

“Ngoài chính sách hỗ trợ của thành phố, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch. Bên cạnh đó, hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục, trình tự lập hồ sơ dự án và thẩm định dự án theo quy định; bố trí quỹ đất dành cho việc triển khai xây dựng điểm giết mổ tập trung bảo đảm thuận tiện trong việc gắn kết với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các huyện, thị xã cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách của trung ương và thành phố trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đồng thời, phổ biến đến người kinh doanh về tiêu dùng thực phẩm an toàn đã được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hết công suất” - ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.