Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh tiêu chí trước khi nhân rộng

Nguyễn Mai| 29/07/2011 07:11

(HNM) - Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội vừa có đợt kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện xây dựng NTM tại các xã điểm.


Nhiều kết quả khả quan


Nông dân xã Tây Tựu thu hoạch hoa hồng. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo đánh giá của Chi cục PTNT Hà Nội, sau gần hai năm triển khai thí điểm chương trình NTM (kể từ mô hình điểm xã Thụy Hương) đã đạt được nhiều kết quả. Tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ), đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, trong đó nhiều tiêu chí đạt cao từ 90% đến 100% như quy hoạch, giao thông, thủy lợi, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế... 5 tiêu chí còn lại cũng đã đạt ở mức trên 70%. Ngoài xã Thụy Hương, 3 xã được chọn làm điểm của thành phố và 15 xã được chọn xây dựng điểm của các huyện, thị xã, đã khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung theo đề án UBND TP Hà Nội phê duyệt. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu (Từ Liêm) cho biết, kể từ khi thực hiện xây dựng điểm mô hình NTM, người dân đã được thụ hưởng những lợi ích mà chương trình mang lại như: xây dựng được Trường Mầm non đạt chuẩn diện tích 3.600m2, Trường Tiểu học B mở rộng với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng; hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp di tích lịch sử đình Đăm, chùa Hưng Khánh với tổng mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và nhân dân đóng góp... Đặc biệt, người dân phấn khởi hăng hái sản xuất, cải tạo nhà ở, làm sạch môi trường... và sẵn sàng đóng góp tiền vào xây dựng hạ tầng nông thôn.

Tương tự, tại xã Hồng Dương (Thanh Oai), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Thắng cho biết: Hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa từ trước, nên ngay sau khi được chọn xây dựng điểm NTM, xã đã khẩn trương xây dựng các quy hoạch, đề án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao. Sau khi xây dựng NTM, hoạt động của HTX nông nghiệp đã và đang được vực dậy. HTX đã được đầu tư kinh phí mua máy làm đất, phục vụ xã viên với giá thấp hơn thị trường (mục tiêu là không thu lợi nhuận), cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cho xã viên...

Một số tiêu chí cần điều chỉnh

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, sau một thời gian triển khai thực hiện xây dựng NTM, những kết quả đạt được là không thể phủ nhận song cũng có không ít vướng mắc đã bộc lộ. Vẫn còn một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa hiểu đúng về việc xây dựng NTM, do đó quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Thêm nữa, đây là mô hình mới, cơ chế, chính sách cũng mới nên việc tiếp cận và triển khai các cơ chế, chính sách của trung ương và thành phố cho đến các ban quản lý chương trình của các xã cũng còn nhiều lúng túng.

Ngoài những nguyên nhân trên, thực tế xây dựng NTM tại các xã điểm trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy nhiều tiêu chí (theo Bộ tiêu chí quốc gia) chưa hợp lý, cần điều chỉnh. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, tiêu chí giao thông nông thôn theo quy định đối với khu vực Đồng bằng Bắc bộ là 100% phải được cứng hóa (theo tiêu chí kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải), tuy nhiên rất khó thực hiện đối với các xã tuy nằm ở vùng Đồng bằng Bắc bộ nhưng lại thuộc xã miền núi của huyện Ba Vì. Bởi ở các xã này có diện tích rộng, đường giao thông nông thôn rất lớn, để cứng hóa cần rất nhiều kinh phí.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp theo quy định của tiêu chí là dưới 30% (trong đó, khu vực Đồng bằng Bắc bộ là dưới 25%), thực tế ở Hà Nội cho thấy, có xã tuy là lao động trong nông nghiệp nhưng lại là lao động sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, thu nhập của người dân bảo đảm theo tiêu chí. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu (Từ Liêm) băn khoăn: "Tây Tựu hiện có 80% hộ sống bằng nghề trồng hoa, cây cảnh với 45,8% lao động tham gia. Việc chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực khác đối với Tây Tựu là không khả thi bởi nghề trồng hoa đã và đang mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân với giá trị thu nhập đạt từ 300-400 triệu đồng/ha canh tác". Cũng với tiêu chí tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, làm nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn mang tính thời vụ, những ngày nông nhàn, nhiều nông dân chuyển sang làm nghề phụ hoặc đi làm thuê để tăng thu nhập. Hơn nữa, thực tế diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nên thời gian làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang có xu hướng giảm dần.

Ngoài ra, theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội, sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tuy có được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với lĩnh vực này. Do vậy, mục tiêu phấn đấu nâng thu nhập cho người nông dân lên 1,5 lần so với mức bình quân chung của khu vực nông thôn khác cùng thời điểm, đặc biệt với các xã thuần nông sẽ rất khó khăn. Đối với công tác quy hoạch NTM, mặc dù sắp kết thúc giai đoạn triển khai mô hình điểm, nhưng việc hướng dẫn của các bộ, ngành cũng chưa nhất quán, thông tư liên bộ: NN & PTNT, Xây dựng, TN-MT vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, trong khi Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM yêu cầu công tác quy hoạch phải xong trước năm 2011.

Theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ quy định, một xã được công nhận xã NTM phải đạt 19 tiêu chí từ quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh, trật tự xã hội... Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy nhiều tiêu chí, chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế rất cần được các cấp, các ngành trung ương nghiên cứu để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh tiêu chí trước khi nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.