Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cú “hích” về nguồn nhân lực

Nguyễn Mai| 15/06/2012 07:08

(HNM) - Theo mục tiêu Chương trình 02 của Thành ủy phấn đấu đến năm 2015, TP Hà Nội có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) thì việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ để triển khai nhanh và chắc các khâu công việc trong xây dựng NTM trở nên bức thiết.


Năng lực cán bộ hạn chế

Chuẩn bị cho chương trình xây dựng NTM, TP Hà Nội đã khảo sát trình độ cán bộ tại 401 xã. Kết quả cho thấy, trong 6.133 người thì chỉ có 76,44% đạt chuẩn. Thống kê đến nay, toàn TP vẫn còn 683 cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo về chuyên môn và 1.712 người chưa qua đào tạo về lý luận chính trị. Sự bất cập về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền hạn chế. Nhiều nơi, cán bộ còn lúng túng, nhất là trong công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ bản và xây dựng NTM.


Để chương trình xây dựng NTM triển khai đạt hiệu quả, cần đội ngũ cán bộ có năng lực và kiến thức.

Theo Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Kiên, các địa phương làm điểm cùng lúc phải thực hiện hàng chục dự án, công trình. Trong khi đó, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc thực hiện chương trình NTM do các bộ, ngành ban hành nhiều và thường xuyên thay đổi. Khối lượng thông tin khá lớn buộc cán bộ xã phải dành nhiều thời gian ngoài giờ làm việc để nghiên cứu, tuyên truyền cho nhân dân. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây Nguyễn Long Giang cũng thừa nhận tiến độ xây dựng NTM ở Sơn Đông đang chậm, đến nay mới đạt và cơ bản đạt 12/19 tiêu chí. Nguyên nhân chậm cũng một phần do năng lực lãnh đạo còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa thông về chương trình xây dựng NTM. Không ít cán bộ bị lẫn lộn giữa chương trình và đề án xây dựng NTM; nhiều cán bộ chuyên môn cấp xã chưa đọc được bản vẽ về xây dựng...

Cán bộ sẽ được đào tạo

Đội ngũ cán bộ là một khâu quan trọng, quyết định hiệu quả quá trình xây dựng NTM, đây cũng là một trong 19 tiêu chí cần phải đạt được trong mục tiêu xây dựng NTM. Theo chỉ đạo của TP, hiện Sở NN&PTNT đang xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý thực hiện xây dựng NTM cho hệ thống cán bộ từ cấp bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn trở lên. Phấn đấu đến năm 2012, hoàn thành giai đoạn đào tạo kiến thức cơ bản; đến hết năm 2014, hoàn thành giai đoạn đào tạo nâng cao. Đến nay, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng NTM năm 2012, lấy ý kiến đóng góp của các huyện, thị xã và các sở, ngành. Việc đào tạo, tập huấn sẽ được tổ chức từ tháng 6 cho cán bộ chủ chốt tại 401 xã và 19 huyện, thị. Mỗi huyện, thị xã sẽ mở một lớp tập huấn cho 50 học viên, đào tạo trong 7 ngày (trong đó có 2 ngày đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm). Tại xã, mỗi xã sẽ mở một lớp cho 19 cán bộ xã, 10 cán bộ thôn và đào tạo trong thời gian 7 ngày để trang bị kiến thức về xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ thôn. Các học viên sẽ được học về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM; chức năng, nhiệm vụ của BCĐ chương trình các cấp; các bước thực hiện quy hoạch, xây dựng đề án, huy động nguồn lực, phát triển sản xuất…

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, theo Chương trình 02 của Thành ủy, Hà Nội cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án cán bộ khoa học kỹ thuật về cơ sở theo hướng mỗi xã có sản xuất nông nghiệp được bố trí một viên chức kỹ thuật trồng trọt, một viên chức kỹ thuật chăn nuôi có trình độ từ cao đẳng trở lên làm nhiệm vụ tham mưu cho UBND cấp xã về phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện việc hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. TP sẽ đầu tư xây dựng một trung tâm đào tạo và thực hành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô đào tạo từ 1.800 - 2.000 lao động nông nghiệp/năm. Tăng cường đầu tư nguồn nhân lực cho đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và kỹ thuật ngành nông nghiệp các cấp để giúp người dân hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cú “hích” về nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.