Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung đẩy nhanh quy hoạch, dồn điền đổi thửa

Nguyễn Mai| 29/06/2012 13:30

(HNMO) - Nhằm đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn TP, sáng 28-6, Ban chỉ đạo Chương trình 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban quý II và triển khai nhiệm vụ công tác quý III, năm 2012.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, sau gần 2 năm thực hiện Chương trình, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện.

Hàng nghìn tỷ đồng xây dựng NTM

Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, các sở, ngành của TP đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã thực hiện tốt các nội dung phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM. Một số xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng quê hương như: xã Song Phượng (Đan Phượng) đã huy động được trên 71tỷ đồng (đạt 148%) cùng hàng nghìn m2 đất để mở rộng đường và hàng nghìn ngày công của cộng đồng dân cư trong xã tham gia xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; nhân dân xã Mai Đình, Sóc Sơn đã đóng góp hàng nghìn m2 đất để tạo mặt bằng cho địa phương mở rộng đường; xã Võng Xuyên, Phúc Thọ huy động được 14.454triệu đồng; Xã Phùng Xá (Mỹ Đức) ngoài đóng góp gần 5 tỷ đồng, nhân dân còn hiến 3.660m2 đất để xây kè sông Đáy và mở rộng đường giao thông, mương máng nội đồng; xã Đại Áng, Thanh Trì huy động tiền, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi trên 6tỷ đồng và hiến 727m2 đất…

Sự chung sức đó đã góp phần đẩy nhanh việc thực hiện 19 tiêu chí NTM tại các xã. Tại mô hình điểm Trung ương ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ), hiện nay xã đã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí. Mô hình điểm của TP sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện, xã Song Phượng đã đạt và cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, xã Mai Đình 15/19 tiêu chí và xã Đại Áng 14/19 tiêu chí. Đối với mô hình điểm của 15 huyện, thị xã, đã có 7 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 8 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí. Ước tổng kinh phí thực hiện chương trình tại 19 xã điểm đạt trên 1.480tỷ đồng, trong đó kinh phí đã giải ngân khoảng 1000tỷ đồng. Một số huyện còn quan tâm bố trí ngân sách huyện cho các xã điểm như: Từ Liêm 135,5tỷ đồng, Mê Linh 64,639tỷ đồng, Thanh Trì 59tỷ đồng…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Theo đánh giá của BCĐ Chương trình 02, tiến độ lập quy hoạch (QH), đề án, dồn điền đổi thửa (DĐĐT), triển khai các dự án trọng điểm phát triển nông nghiệp vẫn chậm, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra… Theo kế hoạch, đến hết quý II năm 2012 phải hoàn thành phê duyệt QH của các xã giai đoạn 2011-2015 với 161 xã nhưng đến nay, mới có 90 xã có quyết định phê duyệt QH. Ngoài một số huyện phê duyệt được nhiều như Mê Linh: 13/16 xã, Thanh Trì: 12/15 xã; Thạch Thất: 16/22 xã…, nhiều huyện chưa phê duyệt QH xã nào như: Đông Anh, Mỹ Đức, Gia Lâm, Quốc Oai, Từ Liêm... Bí thư Huyện ủy Đông Anh Phạm Văn Châm lý giải, huyện có 23 xã thì có tới 18 xã nằm trong QH phân khu đô thị nên triển khai QH NTM phải phối hợp với Sở Quy hoạch- Kiến trúc và xin ý kiến các sở ngành liên quan mất khá nhiều thời gian. Bí thư Huyện ủy Từ Liêm Lê Xuân Trường cho biết thêm, huyện có 15 xã, thị trấn, liên quan đến 8 QH phân khu của TP, quá trình triển khai phải chờ hướng dẫn của TP nên tiến độ thực hiện công việc chậm. Mặt khác, tiến độ lập, thẩm định phê duyệt đề án NTM của các huyện, thị xã cũng không đồng đều do công tác chỉ đạo ở cơ sở chưa quyết liệt, chưa coi việc đánh giá thực trạng, lập đề án xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm mà còn trông chờ, ỷ vào đơn vị tư vấn nên việc phê duyệt phải chỉnh sửa nhiều lần. Đến nay, mới có 248 xã có quyết định phê duyệt đề án, riêng huyện Mỹ Đức chưa phê duyệt được đề án của xã nào (trừ xã điểm).

DĐĐT không phải là tiêu chí xây dựng NTM nhưng lại có ý nghĩa lớn góp phần đẩy nhanh các tiêu chí khác, tuy nhiên việc triển khai cũng rất chậm. Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Văn Trịnh: Gia Lâm đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chương trình này. Tuy nhiên, trong số 10 xã được TP giao thực hiện DĐĐT năm 2012, huyện chỉ chọn được 4/22 xã, bởi 16/22 xã của huyện nằm trong QH của TP, 2 xã nằm ngoài đê.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Công Soái chỉ đạo: Các địa phương cần tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu, sát, có trọng tâm, trọng điểm để cán bộ và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về NTM. Các ngành chức năng sớm ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM để người dân có cơ sở thực hiện. Cần đẩy nhanh tiến độ DĐĐT, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận động nhân dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, khẩn trương xây dựng các trạm cấp nước sạch. Phấn đấu hết quý III, hoàn thành phê duyệt QH tại 60% số xã, hoàn thành phê duyệt đề án NTM tại 100% các huyện và 80% số xã. Dự kiến, cuối năm 2012, TP sẽ tổng kết phong trào xây dựng NTM tại các xã điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đẩy nhanh quy hoạch, dồn điền đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.