Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện dồn điền đổi thửa ở Tân Hưng

Bạch Thanh| 16/09/2012 09:24

(HNM) - Xã Tân Hưng được biết đến như một điển hình trong phong trào dồn điền đổi thửa, thay đổi cách nghĩ cách làm của huyện Sóc Sơn. Ruộng đã thẳng cánh cò bay, bộ mặt nông thôn đã khởi sắc, nhưng để có được thành quả đó không phải dễ dàng...


Nhờ làm tốt dồn điền đổi thửa, người dân Tân Hưng có điều kiện mở mang đường giao thông, phát triển kinh tế địa phương.Ảnh: Sơn Tùng


Xã Tân Hưng có 5 thôn: Đạo Thượng, Cốc Lương, Ngô Đạo, Hiệu Chân và Cẩm Hà. Vốn là nơi "mùa khô thì vắt đất ra nước, mùa lũ thì nghiêng đồng đổ nước ra sông", nhưng từ xưa nơi đây đã có nhiều sản vật tiến vua. Người dân địa phương còn truyền tụng câu ca: "Rau cải tiếu nấu nước điếu cũng ngon. Gạo Cốc Lương ăn cơm tương cũng ngọt", hay: "Gạo Cốc, rau Ngô ngon có tiếng. Giường tre thu thủy đệm vua ban", chứng tỏ người Tân Hưng cần cù, sáng tạo.

Nói về chuyện ngày nay, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Thu thẳng thắn trao đổi về những gian nan trong quá trình thay đổi cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là quá trình dồn điền đổi thửa. Vụ xuân 2012, ở xã từng có 100ha ở hai thôn bị bỏ hoang, nông dân không chịu nhận ruộng. Khi nghị quyết về dồn ô đổi thửa ban hành, đã có nhiều ý kiến xuôi, ngược. Một số đối tượng phản ứng thái quá, tuyên truyền, kích động người dân "tẩy chay" phong trào. Tuy nhiên, cấp ủy Đảng và chính quyền xã Tân Hưng không nản, trong vòng 3 tháng đã tổ chức tới 30 buổi họp để vận động, thuyết phục nhân dân. Một số cá nhân trước đây "lận" được một phần đất nông nghiệp nay không muốn tham gia dồn đổi ruộng vì sợ mất phần. Nhiều hộ dân đòi chia lại toàn bộ phần đất dôi dư với lý do "đất của làng" rồi kéo ra cản trở, ném đá. Nhìn lại những ngày khởi đầu ấy (năm 2010) mới thấy quá trình dồn điền đổi thửa ở Sóc Sơn như một cuộc cách mạng của vùng đồi gò để hình thành nếp làm ăn mới - ông Thu nhận định.

Thực tế, địa hình xã Tân Hưng khó khăn, hơn 500ha đất nông nghiệp chia thành hai vùng rõ rệt: Vùng gò và ruộng bậc thang thuộc hai thôn Đạo Thượng và Cốc Lương, vùng chiêm trũng thuộc ba thôn Ngô Đạo, Hiệu Chân, Cẩm Hà. Có đến một nửa diện tích là đất chiêm trũng, chỉ cấy được một vụ lúa. Anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư Đoàn xã, một thanh niên đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương cho hay: "Vận động nhân dân rời bỏ thói quen không dễ. Nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và tiếp sức của huyện nên xã càng quyết tâm vận động nhân dân". Công tác dồn điền đổi thửa đã ổn, sản xuất đã đi vào nền nếp. Màu xanh của lúa, của rau màu đã bao phủ 100% diện tích đất nông nghiệp. Bao đời nay, phụ nữ Tân Hưng chỉ biết cặm cụi với cây lúa cây rau, chẳng mấy khi có cơ hội giao du tiếp xúc, nay thì khác. Sau dồn điền đổi thửa, quỹ đất dôi dư tới vài chục héc ta không chỉ dành để làm đường mà các khu vui chơi công cộng, sân bóng… ở thôn nào cũng có.

Lý giải về đất và người Tân Hưng, trưởng thôn Đạo Thượng Nguyễn Văn Hảo cho hay: Trong cuộc đấu tranh giữa cái mới - cái cũ, tiến bộ - lạc hậu bảo thủ, người Tân Hưng đã vượt qua những gian khó ấy. Để rồi chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, thiết thực ở Tân Hưng. Việc thực hiện quy chế, quy ước về việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội được triển khai sâu rộng ở các thôn xóm, bảo đảm tiết kiệm, chống phô trương, lãng phí. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ. Nhờ phát huy vai trò, trách nhiệm và sự tiền phong, gương mẫu của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, đảng viên, những người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thực hiện phong trào ở cơ sở, nơi đây đã khơi dậy được phong trào cách mạng trong nhân dân và xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện dồn điền đổi thửa ở Tân Hưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.