Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở hướng làm giàu cho nông dân

Bạch Thanh| 02/11/2012 06:58

(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn nhưng sản lượng đạt thấp, đầu ra bấp bênh. Nhằm giúp các hội viên nông dân khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu từ nghề NTTS, vừa qua Hội Nông dân TP đã triển khai mô hình thâm canh cá rô đầu vuông theo quy trình an toàn sinh học ở các huyện.

Niềm vui của người nông dân khi thu hoạch cá rô đồng.


Lãi trên 100 triệu đồng/ha

Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 21.000ha nuôi trồng thủy sản, tập trung ở các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai… chủ yếu nuôi cá trắm, mè, trôi, chép, rô đồng, rô phi đơn tính… Tuy nhiên, nuôi thủy sản của các địa phương chủ yếu vẫn tự phát, không theo quy hoạch, không được đầu tư bài bản nên năng suất thấp, chỉ đạt bình quân 5,2 tấn/ha. Nhằm khắc phục những khó khăn trong phát triển NTTS, vừa qua Hội Nông dân TP phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông theo hướng an toàn sinh học ở xã Thụy Phú (Phú Xuyên), mở ra hướng làm giàu cho nông dân.

Huyện Phú Xuyên có tiềm năng phát triển NTTS, nhưng các hộ dân vẫn nuôi quảng canh, năng suất và lợi nhuận không cao. Riêng xã Thụy Phú đã có 94 mô hình chuyển đổi từ đất 2 lúa sang NTTS kết hợp chăn nuôi và mô hình thí điểm cá rô đầu vuông đã mở ra hướng đi mới trong NTTS, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mô hình thí điểm được triển khai từ tháng 5-2012 tại hộ gia đình anh Phạm Văn Ba, thôn Thụy Phú, xã Thụy Phú với diện tích gần 1ha. Ưu điểm của nuôi cá rô đầu vuông là thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt từ 25 đến 35 tấn/ha, cao gấp 10 lần so với các vật nuôi truyền thống nên cho hiệu quả kinh tế cao; đặc biệt là chất lượng cá thương phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, mô hình còn cho hiệu quả về mặt xã hội, giúp người nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, quản lý được dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường. Để tạo điều kiện cho nông dân trong quá trình nuôi, Hội Nông dân TP hỗ trợ 60% con giống, 20% thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học và thuốc phòng bệnh cho cá; hướng dẫn kỹ thuật nuôi và sử dụng thuốc phòng bệnh cho hộ thí điểm. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Đào Đức Gương cho biết: Sau 4 tháng nuôi thí điểm, cá rô đầu vuông phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 90%, trọng lượng 90-100g/con, hiệu quả kinh tế cao. Hiện gia đình anh Phạm Văn Ba bắt đầu bước vào thu hoạch; với giá bán trung bình 50.000 - 55.000 đồng/kg, trừ chi phí, còn lãi 100 triệu đồng/ha.

Gỡ khó để phát triển

Theo Hội Nông dân TP Hà Nội, bên cạnh những ưu điểm vượt trội so với các vật nuôi truyền thống, hạn chế của cá rô đầu vuông là sức chịu rét kém nên việc nuôi cá vào mùa đông gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc NTTS theo hướng an toàn sinh học chi phí đầu vào thường cao gấp 2-3 lần so với cá nuôi thường; sản phẩm cũng chưa hấp dẫn về hình thức, khó bán được với giá cao hơn sản phẩm không an toàn nên lãi ít. Do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng nên số lượng bán ra chưa nhiều, đầu ra mới chỉ ở thị trường Hà Nội. Đây là những khó khăn cần phải tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Thành công của mô hình thí điểm là căn cứ để các cấp hội nhân rộng mô hình nuôi cá rô đầu vuông trong thời gian tới, nâng cao sản lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, muốn có hiệu quả cao, các vùng sản xuất phải liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra thuận lợi, với số lượng lớn. Vì vậy, ngoài việc quan tâm hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình nuôi cá rô đầu vuông nói riêng và phát triển thủy sản theo hướng an toàn sinh học nói chung, TP cũng cần có quy hoạch vùng nuôi cụ thể, tránh phát triển ồ ạt, tự phát, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi cũng như môi trường sinh thái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở hướng làm giàu cho nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.