Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã Trầm Lộng (Ứng Hòa): “Ốc đảo” bình yên

Ngọc Quỳnh| 16/12/2012 07:24

(HNM) - Là xã thuần nông nằm ở vùng rốn nước, canh tác khó khăn, số người ly hương đi làm ăn xa khá đông nhưng với truyền thống cách mạng đã bám rễ trong mỗi người dân, xã Trầm Lộng vẫn phát triển trong sự yên bình.

Đất Trầm Lộng xưa là một trong những rốn nước của vùng khu Cháy huyện Ứng Hòa. Là một vùng đất trũng, quanh năm người dân chỉ biết cấy lúa và nuôi cá, thương mại dịch vụ hầu như không phát triển nên cuộc sống của người dân Trầm Lộng bộn bề khó khăn, nhưng không vì thế mà làm mất đi những giá trị văn hóa tinh thần cốt yếu của một làng quê giàu truyền thống cách mạng. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Mấy chục năm trở lại đây, dân số ở Trầm Lộng ngày càng ít đi do tốc độ ly hương khá cao (khoảng 10%/năm). Cả xã có 10 thôn với 5.300 nhân khẩu, nhưng dân số hiện đang sinh sống chỉ khoảng hơn 4.000 người. Canh tác khó khăn, người dân, nhất là lớp trẻ Trầm Lộng cố gắng tìm cách thoát ly khỏi cuộc sống chân lấm tay bùn. Ở lại địa phương đa phần là người già và lứa trung niên, nhưng phần lớn đều rất chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần kiến thiết quê hương".

Ngôi nhà 5 gian của gia đình cụ Nguyễn Đăng Doanh ở thôn Trầm Lộng vẫn giữ được nét đặc trưng của vùng quê Bắc bộ xưa. Cụ Doanh kể: Gia đình cụ có 6 người con, nhưng tất cả đều thoát ly, ở nhà chỉ còn hai ông bà già hơn 80 tuổi tự chăm sóc nhau, cuối tuần con cháu về thăm. Nhớ con, thương cháu, nhưng các cụ không quen được với cuộc sống đô thị hối hả, chật chội nên ở lại quê vui với vườn tược, với làng xóm đã gắn bó từ bao đời. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chuyển đổi lúa-cá-vịt của người dân, Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hồng Hải cho hay: "Bây giờ ở Trầm Lộng chỉ thấy người già và trung niên làm nghề nông. Trong hơn 3.000 lao động tại xã có tới 80% làm nông nghiệp, tuổi đời đều từ 45 đến 60".

Với những người ở lại, dù tuổi cao nhưng nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa nên sản xuất nông nghiệp đã thuận lợi hơn trước. Số diện tích cấy lúa đã và đang được áp dụng cơ giới hóa; một bộ phận có kinh nghiệm chăn nuôi đã hình thành những mô hình chuyển đổi đem lại cuộc sống khấm khá, góp phần kiến thiết xây dựng quê hương. Chỉ tay vào con đường đang đi, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, trước đây trục đường chính trong xã toàn là đường đất, đi lại khó khăn, nay đã trải bê tông sạch đẹp, làm thay đổi bộ mặt làng quê và giúp người dân đi lại thuận tiện.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, người dân Trầm Lộng cũng rất quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, vì vậy phong trào văn hóa, văn nghệ rất sôi nổi. Để tạo "sân chơi" cho nhân dân, nhất là "những người giữ làng", mỗi năm xã đều tổ chức đại hội thể dục thể thao để người dân các thôn thi tài. Đây là hoạt động không phải nơi nào cũng làm được, không chỉ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Hẳn là nhờ vậy mà vùng quê Trầm Lộng thật yên bình. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Ban cho biết, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng công tác huy động xây dựng đường làng ngõ xóm xây dựng nông thôn mới khá thuận lợi. Chính quyền và người dân trong xã đã họp bàn, trung bình mỗi khẩu đóng 7kg thóc/năm để xây dựng đường làng ngõ xóm và các công trình công cộng.

Đáng mừng hơn cả là trong khi nhiều vùng quê đang nan giải bởi sự bùng phát của các loại tệ nạn xã hội nhưng ở Trầm Lộng ít có tệ nạn. Mặc dù có tới cả nghìn người ly hương nhưng không có sự xô bồ của đời sống thị trường. Dường như truyền thống tốt đẹp từ xa xưa đã ăn sâu, bám rễ vào người dân nơi đây, nên dù đi đâu về đâu, gian khó đến mấy người dân Trầm Lộng vẫn giữ được nét thuần phác, cần cù, tình cảm yêu thương đùm bọc và đức tính kiên cường của vùng khu Cháy anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Trầm Lộng (Ứng Hòa): “Ốc đảo” bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.