Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý rác thải nông thôn: Bài toán chưa có lời giải

Thúy Nga| 31/12/2012 08:02

(HNM) - Tình trạng quá tải về rác thải ở ngoại thành Hà Nội kéo dài nhiều năm qua, ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe người dân. Thế nhưng việc quản lý, thu gom, vận chuyển xử lý rác lại bộc lộ những tồn tại, bất cập, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều...

Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn Hà Nội mỗi ngày khoảng 2.500 tấn song mới thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 1.500 tấn, bằng 60% (không bao gồm các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn). Sự bất cập trên dẫn tới tình trạng rác thải tồn đọng nhiều tại các điểm đổ rác và trong khu dân cư. Huyện Thạch Thất là một trong những điểm "nóng" về rác thải nông thôn kéo theo nhiều hệ lụy. Tại ngã tư tỉnh lộ 419- chùa Tây Phương, rác thải chồng chất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tương tự, tại các điểm tập kết rác thải của các xã, thị trấn khác, lượng rác tồn đọng khá lớn, chính quyền sở tại buộc phải rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng để xử lý ô nhiễm.

Rác thải chất đống tại khu vực đầu cầu 72 thuộc địa bàn xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.


Nguyên nhân là do thiếu điểm tập kết rác thải và trong các tháng 7, 8, 9 năm 2012 xảy ra sự cố tại bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) nên rác thải không được thu gom, vận chuyển đi xử lý. Không riêng Thạch Thất, ven các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc địa bàn các huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ... đã bị biến thành nơi tập kết rác. Tại khu vực đầu cầu 72 thuộc địa bàn xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, rác thải chồng chất lâu ngày không những bốc mùi nồng nặc mà còn tràn xuống làm thu hẹp dòng chảy sông Đáy. Cùng cảnh ngộ, gần nghĩa trang thôn Hòa Thôn, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ rác tồn đọng khá lớn, tràn ra lòng đường, mùi xú uế bốc lên nồng nặc...

Qua tìm hiểu tình hình, việc quản lý và xử lý rác thải đang là vấn đề bức xúc tại các huyện. Các địa phương gặp khó khăn khi lựa chọn điểm tập kết, xử lý rác thải do không bảo đảm tiêu chí về khoảng cách cũng như diện tích sử dụng và sự đồng thuận của người dân trong khu vực. Đơn cử như từ năm 2006 huyện Thạch Thất, đã tập trung chỉ đạo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 với diện tích 12,38ha, song đến nay mới có 3 xã có quyết định thu hồi đất để xây dựng điểm tập kết rác, 4 xã đầu tư xây dựng điểm tập kết rác thải, 8 xã đang làm tờ trình UBND huyện để xin lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng điểm tập kết. Ở các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa đã thí điểm dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh nhưng do một số bãi chôn lấp chỉ có quy mô nhỏ, cấp xã, liên xã nên không đủ khả năng xử lý toàn bộ lượng rác thu gom của huyện. Vì vậy, một phần rác thải thu gom ở các huyện này phải chuyển về khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Riêng huyện Thanh Oai có hai bãi thì hiện đã đóng cửa một phần để chuyển sang làm địa điểm tập kết trung chuyển...

Bên cạnh việc thực hiện thí điểm, thành phố cũng đang triển khai một số dự án đầu tư xử lý rác thải theo mô hình xã hội hóa như khu xử lý rác thải Việt Hùng (huyện Đông Anh); Núi Thoong giai đoạn II (huyện Chương Mỹ); Phương Đình (huyện Đan Phượng); Lại Thượng (huyện Thạch Thất); Châu Can (huyện Phú Xuyên); Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa); Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức). Hiện các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc đang thi công xây dựng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các chủ đầu tư, hiện các dự án này cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn và chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, mặc dù từ năm 2010, UBND TP đã ban hành Quyết định 50/2010/QĐ-UBND về "Cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách thành phố thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải nông thôn trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý rác thải nông thôn: Bài toán chưa có lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.