Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán nguồn lực

Chí Kiên| 04/01/2013 07:00

(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã bước sang năm thứ 3 với những mục tiêu và thách thức mới, trong đó trọng tâm vẫn là nguồn lực.

Nhiều bài học huy động sức dân, doanh nghiệp, xã hội hóa; sử dụng vốn lồng ghép, ngân sách nhà nước… đã, đang được các địa phương triển khai hiệu quả, là cơ sở quan trọng để cán đích NTM. Năm 2013, nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực xây dựng NTM vẫn là một vấn đề cấp bách, đòi hỏi các cấp, các ngành và người dân cần vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc.

Đu đủ trĩu quả trên cánh đồng nông thôn mới xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Linh Ngọc


Kinh nghiệm đấu giá đất ở Đông Anh

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng nhưng huyện Đông Anh đã nổi lên như một điểm sáng về đấu giá quyền sử dụng đất lấy vốn xây dựng NTM. UBND huyện đã chỉ đạo các xã thống kê được 120ha đất xen kẹt trong khu dân cư phối hợp cùng các ngành chức năng, chọn được gần 50ha đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất. Huyện chỉ đạo các xã lập đề án, xây dựng hạ tầng được 28 dự án. Qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị, đến nay toàn huyện đấu giá được 8 điểm với tổng kinh phí trúng thầu khoảng 250 tỷ đồng, đã thu về ngân sách 120 tỷ đồng. Trước đó, năm 2010 và 2011 huyện Đông Anh cũng đã tổ chức đấu giá đất xen kẹt được hơn 40.000m2 đất, thu khoảng 650 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm, kinh nghiệm rút ra là chọn đấu giá các vị trí đất xen kẹt nằm trong khu dân cư đáp ứng được nhu cầu đất ở của người dân. Năm 2013, Đông Anh sẽ chỉ đạo việc đấu giá đất ở 20 điểm đã được lập dự án, tiếp tục nghiên cứu lập các điểm mới dựa trên nhu cầu sử dụng thực của người dân để đấu giá đạt hiệu quả.

Ngoài đấu giá đất được triển khai nghiêm túc, việc huy động nguồn lực từ trong dân cũng được Đông Anh chú trọng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Toàn huyện đã huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp đóng góp trên 250 tỷ đồng; người dân tự nguyện hiến 57.000m2 đất và hơn 18.000 ngày công để xây dựng hạ tầng… Nhờ nguồn vốn này mà đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn ở 23/23 xã của huyện đã cơ bản đồng bộ, 100% đường giao thông được cải tạo, nâng cấp; 100% hệ thống thủy lợi được cứng hóa, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở 3 vụ; 100% hộ dân được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh… Trong sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, trong đó quan tâm đặc biệt đến khâu giống với tỷ lệ 100% sử dụng giống lúa nguyên chủng…

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài và phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong đó người dân là chủ thể, là nguồn lực bảo đảm tiêu chí NTM được duy trì bền vững. Huyện Chương Mỹ là địa phương đi đầu trong dồn điền đổi thửa, năm 2012 thành phố giao dồn 4.000ha, huyện đã hoàn thành gần 8.000ha. Để đạt được kết quả này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh, huyện đã sắp xếp hợp lý cơ cấu nguồn vốn để đầu tư những dự án trọng tâm, trọng điểm, cần thiết cho yêu cầu dân sinh. Theo đó, toàn bộ kinh phí bổ sung có mục tiêu của ngân sách thành phố dành cho huyện Chương Mỹ năm 2012 là 42,2 tỷ đồng, huyện đã sử dụng làm giao thông nội đồng để phục vụ công tác dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Doanh, năm 2013, ngân sách thành phố cần đầu tư ưu tiên vào phần việc cụ thể, mang tính cấp bách như cấp lại sổ đỏ sau dồn điền đổi thửa, giao thông nội đồng, thủy lợi, giao thông nông thôn… Vấn đề này rất cần thiết đối với các huyện ngoại thành, nhất là những địa phương chưa chủ động được nguồn thu, phải trông chờ cấp trên.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là trong năm 2012, các địa phương xa trung tâm, còn khó khăn như Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Mê Linh… đã gặp rất nhiều khó khăn trong đấu giá đất. Có rất nhiều huyện chưa thực hiện được nên ngân sách xã cho xây dựng NTM vẫn là con số không. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho biết, Ba Vì là huyện miền núi nên toàn bộ ngân sách phải trông chờ vào cấp trên và xây dựng NTM cũng không ngoại lệ. Ông Hải kiến nghị thành phố bố trí nguồn vốn đầu tư trực tiếp và vốn lồng ghép cho những công trình bức xúc dân sinh. Về huy động nguồn lực từ đất, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hải cho rằng, đối với những xã vùng bãi, xã ngoài đê, thành phố cần có cơ chế đặc thù về cơ chế đấu giá đất để các địa phương có nguồn lực xây dựng hạ tầng. Cụ thể, ông Hải kiến nghị cho phép các xã có đất quy hoạch đấu giá nằm ngoài đê chính, trong đê bối, ngoài chỉ giới quy hoạch thoát lũ được thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất như Tản Hồng, Châu Sơn, Phú Phương, Phú Châu… "Xã Minh Châu là xã nằm giữa bãi sông Hồng, toàn bộ trong chỉ giới quy hoạch thoát lũ, đề nghị thành phố quy định cụ thể cho xã trong việc giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất" - ông Hải nói. Vấn đề huyện Ba Vì đang vướng hiện nay cũng rất phổ biến ở những huyện có hệ thống đê như Phú Xuyên, Thường Tín, Đan Phượng, Phúc Thọ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.