Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi Nhà nước và nhân dân chung sức

Nguyễn Mai| 18/01/2013 06:08

(HNM) - Sau hơn hai năm quyết liệt triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong việc huy động các tầng lớp nhân dân tham gia.



Những ngày này, thị xã Sơn Tây đang chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông nông thôn đạt tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành ngay trong quý I. Thuộc vùng đồi gò, các xã đều có diện tích lớn, người dân lại ở thưa nên việc đầu tư làm đường giao thông ngõ, xóm ở Sơn Tây rất tốn kém, chỉ người dân tự đóng góp để làm là quá sức. Chính vì vậy, đến nay thị xã vẫn còn 117,7km đường đất ngõ, xóm và hầu hết chưa có rãnh thoát nước đấu nối với hệ thống thoát nước chung của thôn. Trong đó, xã Cổ Đông còn hơn 57km, xã Sơn Đông còn hơn 16km, xã Xuân Sơn hơn 12km… Cuối năm 2012, Thị ủy Sơn Tây đã có kết luận về việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng, chỉnh trang đường ngõ xóm theo tiêu chí NTM. Thị xã đã giao nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các phòng ban tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh xây dựng. Hai xã Cổ Đông và Sơn Đông được chọn làm điểm.

Thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) được xây dựng khang trang, đạt tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Thu Giang


Các xã còn lại, mỗi xã chọn 1-2 thôn, cụm dân cư để làm trước, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện đồng bộ. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Long Giang cho biết, sau khi được thị xã ứng vốn bằng 100% vật tư theo dự toán được duyệt, xã đã chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án, thiết kế, lên dự toán và thẩm định bảo đảm chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả. Trong quá trình xây dựng, Sơn Đông đã vận động người dân đóng góp ngày công, tiền làm rãnh thoát nước để hoàn thiện tuyến đường. Quá trình triển khai bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch nên được nhân dân đồng tình tham gia. Cả xã đã thu được 1,1 tỷ đồng ủng hộ, trong đó riêng gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường, thôn Đại Quang, ủng hộ 500 triệu đồng. Ngoài ra, người dân còn hiến trên 4.000m2 đất, trong đó có 200m2 đất thổ cư, để mở rộng các tuyến đường giao thông.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, sau khi thành phố có quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, huyện đã bàn bạc, thống nhất hỗ trợ người dân vật liệu để bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường xóm, ngõ còn là đường đất. Chỉ trong hai tháng cuối năm 2012, toàn bộ 1.849 tuyến đường xóm, ngõ với tổng chiều dài 131km của huyện đã cơ bản hoàn thành với tổng mức đầu tư 184 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí vật liệu là 58 tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ, người dân đóng góp ngày công với số tiền ước đạt 61,5 tỷ đồng và các chi phí khác 64,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và chính quyền các xã còn vận động 179 hộ hiến trên 1.000m2 đất để mở rộng đường, nối thông các xóm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình xây dựng NTM toàn thành phố đạt hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đạt gần 1.500 tỷ đồng; ngân sách huyện, thị xã trên 4.000 tỷ đồng, ngân sách xã là 399 tỷ đồng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp đạt hơn 730 tỷ đồng… cùng hàng nghìn mét vuông đất và hàng chục nghìn ngày công lao động… Toàn thành phố đã có 161/401 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 (2010-2015) đạt và cơ bản đạt 10-19 tiêu chí; 62 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 đến 18 tiêu chí và 87 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí…

Mục tiêu của TP Hà Nội đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn bởi việc xây dựng NTM cần một lượng vốn lớn. Ước tính mỗi xã cần vài trăm tỷ đồng trong khi ngân sách thành phố và huyện hỗ trợ có hạn, ngân sách nhiều xã, đặc biệt là đối với các xã thuần nông, vùng sâu, vùng xa còn hạn hẹp. Vì vậy, các địa phương cần tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình khác có liên quan như về y tế, nước sạch… Đặc biệt, cần phát triển các cách làm sáng tạo, phù hợp như cung cấp vật tư để người dân tự tổ chức thi công đường giao thông và một số công trình phúc lợi; vận động người dân giữ vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế gia đình… Nghĩa là, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần tiếp tục khơi gợi sức dân bởi chính người dân mới thực sự là chủ thể để xây dựng thành công NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi Nhà nước và nhân dân chung sức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.