Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn điền đổi thửa thuận lợi nhờ công khai, dân chủ

Bài, ảnh: Hữu Hoài| 21/01/2013 06:47

(HNM) - Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã mở ra nhiều cơ hội về phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, trong khi không ít địa phương đang gặp khó khăn thì tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ), việc này lại được thực hiện khá suôn sẻ...

Sau chuyển đổi lần thứ nhất năm 1998, đồng ruộng một số thôn của xã Nam Phương Tiến đã bớt manh mún, phân tán. Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, một cuộc chuyển đổi nữa được xã triển khai năm 2006. Tính tới thời điểm này, mỗi hộ dân chỉ còn 1-2 thửa để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi.

Chăn nuôi lồng ghép cá - vịt cho hiệu quả kinh tế cao sau DĐĐT ở xã Nam Phương Tiến.


Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ kinh nghiệm thành công của địa phương là phải huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể, tạo thành phong trào thi đua trong các thôn, xóm, từ đó vận động, thuyết phục người dân về ý nghĩa của DĐĐT để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cùng với tuyên truyền, phải quy hoạch từng vùng sản xuất phù hợp với thực tế đồng thời chỉnh trang giao thông, thủy lợi nội đồng, sau đó mới chọn thời cơ, thời vụ để thực hiện việc DĐĐT... Quá trình triển khai diễn ra dân chủ, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của người dân và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nói vậy nhưng trong thực tế Nam Phương Tiến cũng gặp không ít khó khăn, bởi địa bàn xã chia làm hai khu rõ rệt là vùng chiêm trũng và vùng đồi gò, đồng đất không đồng đều, ruộng bậc thang và manh mún. Nắm bắt tình hình, lãnh đạo xã, thôn kiên trì cùng họp, bàn bạc với người dân để thống nhất phương án chuyển đổi. Với những trường hợp chưa thông, chính quyền địa phương vận động họ hàng, chòm xóm giải thích để đi đến nhất trí. Chính vì vậy, Nam Phương Tiến trở thành địa phương đầu tiên của huyện Chương Mỹ hoàn thành công tác DĐĐT.

Sau chuyển đổi, xã đã tập trung được quỹ đất công ích để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu lâu dài cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đây, hàng loạt mô hình phát triển kinh tế hiệu quả bung ra. Đến nay, ngoài vùng quy hoạch 150ha chuyên trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, trên địa bàn xã có 77 vườn trại trồng cây ăn quả với diện tích 70ha; gần 200 mô hình trồng trọt, chăn nuôi lồng ghép với diện tích 60,2ha ở vùng chiêm trũng; 14 trang trại chăn nuôi tổng hợp; 50 hộ chuyên nuôi trồng thủy sản... Ông Nguyễn Xuân Phần, thôn Nam Hài phấn khởi khoe, gia đình ông có 2 mẫu ruộng, trong đó 1 mẫu chuyên thả cá cho giá trị cao hơn cấy lúa hàng chục lần. Còn theo bà Nguyễn Thị Hẹn, thôn Hạnh Bồ, không riêng các hộ có trang trại, vườn trại, nuôi trồng thủy sản mới phát huy hiệu quả kinh tế, sau dồn đổi ruộng đất, người dân xã Nam Phương Tiến có thêm cơ hội áp dụng giống mới, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, hiện thực hóa giấc mơ đổi đời, làm giàu từ đồng ruộng.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm cho biết, kinh nghiệm DĐĐT của xã Nam Phương Tiến đang được huyện nghiên cứu, nhân rộng. Cùng với đó, huyện sẽ từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống tưới, tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, giúp cho việc DĐĐT của huyện thực sự phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn điền đổi thửa thuận lợi nhờ công khai, dân chủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.