Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vai trò tổ chức Đảng với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Bình Yên| 14/02/2013 06:26

(HNM) - Hai năm triển khai Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới (NTM), thành quả thu được không chỉ là những điểm sáng nông thôn mà còn khẳng định vai trò, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ). Thực tiễn cho thấy, sự sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã mang lại kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới, tạo niềm tin trong nhân dân.



Những thửa ruộng lớn xuất hiện ở Liên Mạc (Mê Linh) do Đảng ủy xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tuyên truyền với nhiều hình thức về xây dựng nông thôn mới.Ảnh: Bảo Lâm


Khi triển khai chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy Sóc Sơn ưu tiên khâu tổ chức lại sản xuất, lấy dồn điền đổi thửa (DĐĐT) làm khâu đột phá và chọn xã Tân Hưng làm điểm. Do đây là công việc khó khăn, phức tạp, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề triển khai tới các chi bộ. Khi DĐĐT, quyền lợi cá nhân của một số cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng vì mất đi những thửa ruộng tốt, nội bộ cấp ủy chưa thống nhất cao nên việc triển khai nghị quyết chuyên đề không thuận buồm xuôi gió. Hơn 30 cuộc họp được tổ chức, kiên trì để mọi đảng viên thấm nhuần chủ trương, tự giác thực hiện trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, Đảng ủy đặc biệt đề cao vai trò của cấp ủy và người đứng đầu, bền bỉ "dân vận" và linh hoạt trong xử lý tình huống phát sinh… Kiên trì chỉ đạo từng khâu, từng bước, Đảng bộ xã Tân Hưng tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, người dân, thực hiện thành công DĐĐT. Từ chỗ ruộng đồng phân tán, manh mún, đến nay dồn lại còn 1-3 thửa ruộng/hộ. Đường giao thông nội đồng thuận tiện và hệ thống kênh dẫn nước đến từng thửa ruộng không chỉ giúp người dân thuận tiện canh tác mà còn đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa Tân Hưng, một trong 7 xã có đông hộ nghèo ở huyện Sóc Sơn tiến lên.

Cũng gặp trở ngại trong chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy xã Liên Mạc (Mê Linh) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú ý tới công tác tuyên truyền. Đảng ủy xã đã huy động các ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức, tổ chức hội thảo "Vai trò của phụ nữ trong xây dựng NTM"; biên soạn nội dung dạy và học về xây dựng NTM trong nhà trường; phát động xây dựng mô hình chi đoàn NTM… giúp người dân nhận thức xây dựng NTM là một chủ trương lớn đem lại lợi ích cho người dân. Từ đó, các chi ủy tuyên truyền, vận động các hộ tự giác cam kết hưởng ứng chương trình xây dựng NTM. Chỉ sau hơn 4 tháng triển khai, Liên Mạc đã dồn đổi hơn 400ha (đạt 100% kế hoạch). Nhiều gia đình đảng viên, các hộ dân còn tự ghép ruộng, liên kết sản xuất theo mô hình "Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn". Những "Cánh đồng mẫu lớn" đã xuất hiện ở Liên Mạc mở ra hướng sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, hiện đại.

Nhờ phát huy vai trò đầu tàu của cán bộ, đảng viên, Đảng ủy xã Tản Hồng (Ba Vì) chỉ đạo DĐĐT được 150ha (mỗi hộ còn 1-2 thửa), tạo điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập. Không chỉ vậy, nhiều đảng viên còn tự giác hiến 30m2 đất/sào để xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng. Thấy cán bộ, đảng viên làm vậy, bà con xã viên đồng lòng ủng hộ góp 27m2 đất/sào mở rộng đường. Theo đánh giá của Huyện ủy Ba Vì, dù không phải là đơn vị làm điểm, song Đảng ủy xã Tản Hồng đã có nhiều giải pháp thiết thực, chỉ đạo thành công công tác DĐĐT, dẫn đầu toàn huyện. Đây là cơ sở để xã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao (73ha) triển khai trong vụ xuân 2013. Đảng ủy xã xác định: Cán bộ, đảng viên trong xã phải tiên phong đi đầu, là tấm gương để thay đổi nhận thức của người nông dân. Có như vậy, DĐĐT mới thực sự góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM hướng tới.

Nhiệm vụ xây dựng NTM được triển khai bài bản, khoa học, hiệu quả, đã mang lại thành công bước đầu tại các huyện ngoại thành của TP Hà Nội. Điểm chung của đảng bộ các xã Tân Hưng, Liên Mạc, Tản Hồng và nhiều TCCSĐ khác là phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự tự giác, gương mẫu của đảng viên trong mọi khâu, mọi bước. Qua hai năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy đã chứng minh năng lực lãnh đạo của các TCCSĐ và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước một việc khó. Khi về thăm xã Liên Mạc (Mê Linh), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, kết quả xây dựng NTM của xã Liên Mạc là bài học rất tốt để TP chỉ đạo nhân rộng ra các địa phương khác. Cách làm sáng tạo của cấp ủy xã Liên Mạc nói riêng và nhiều xã vùng ngoại thành nói chung không chỉ giải phóng đôi vai, sức lao động mà còn mở rộng tầm nhìn trong sản xuất, làm giàu của người nông dân. Đó là điều mà các TCCSĐ đã làm tốt, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò tổ chức Đảng với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.