Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói “không” với bệnh thành tích

Nguyễn Mai| 01/03/2013 07:14

(HNM) - Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm 19 tiêu chí, trong đó có yêu cầu xã đạt chuẩn NTM phải có 70% thôn, làng đạt tiêu chuẩn văn hóa trở lên.

Nhiều năm nay người dân của huyện Quốc Oai đã tạo được phong trào thi đua xây dựng thôn, làng văn hóa thông qua việc lập ra các câu lạc bộ (CLB) văn hóa quần chúng, trong đó nổi lên như các CLB chiếu chèo, nhạc lễ xã Đại Thành, CLB tuồng Dương Cốc (xã Đồng Quang)… làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng phong phú. Từ đây, đã thúc đẩy nhiều hoạt động lao động sản xuất của người dân.

Theo Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán, năm 2012, sau khi triển đăng ký xây dựng thôn, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa, toàn huyện có 101 đơn vị đăng ký. Kết quả, đã có 46 thôn, làng, cơ quan, đơn vị đạt yêu cầu.

Một góc làng văn hóa Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Minh Phú


Những năm trước đây, mặc dù tỷ lệ làng được công nhận làng văn hóa vẫn tăng hằng năm nhưng chất lượng chưa cao. Việc công nhận danh hiệu làng văn hóa ở một số nơi rơi vào tình trạng qua loa, đại khái, không thực chất. Khắc phục nhược điểm này, huyện Quốc Oai đã kiểm tra thường xuyên và có biện pháp chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt thông qua việc đánh thức lòng tự hào, danh dự của mỗi người dân, mỗi gia đình, làng xóm trong phong trào xây dựng làng văn hóa. Theo đó, mỗi khi có làng văn hóa được công nhận, cả làng hân hoan đón nhận, tạo phong trào thi đua, có tính cạnh tranh sôi nổi giữa các làng cùng phấn đấu. Bên cạnh đó, huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Trong quá trình xét công nhận làng văn hóa năm 2012, số đơn vị đăng ký tham gia rất đông, nhưng qua sàng lọc đợt 1 còn 64 làng, cơ quan, đơn vị để chọn ra 46 làng, cơ quan, đơn vị đủ tiêu chí. Việc chấm điểm làng văn hóa cũng rất sát, huy động được sự vào cuộc của tất cả các phòng, ban, ngành của huyện như: Công an rà soát, đối chiếu về các trường hợp nghiện ma túy; phòng y tế kiểm tra về các trạm y tế đạt chuẩn, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phòng lao động - thương binh và xã hội điều tra, rà soát về tỷ lệ hộ nghèo… Nhờ vậy, việc công nhận làng văn hóa ở Quốc Oai đã thực chất hơn so với trước đây.

Đi sâu vào chất lượng

Ngoài Quốc Oai, nhiều địa phương khác đã thành lập các ban chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do phó chủ tịch huyện trực tiếp làm trưởng ban. Một số huyện đã chú trọng xây dựng triển khai thực hiện quy ước làng văn hóa làm tiền đề cho xây dựng làng văn hóa.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Lê Thị Tân Trang, trong chương trình xây dựng NTM, Hà Nội đã kịp thời có những hướng dẫn, điều chỉnh các nội dung còn chưa hợp lý, cụ thể trong việc đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu làng văn hóa. Năm 2012, Sở đã tham mưu với thành phố ban hành quy chế công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Ngay sau đó, Sở đã tổ chức tập huấn cho thành viên BCĐ các cấp để kịp thời phổ biến các nội dung mới nhằm triển khai kịp thời, thống nhất từ thành phố đến cơ sở. Phong trào xây dựng làng văn hóa tập trung vào các nội dung như: phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, giúp nhau phát triển kinh tế, tạo lập cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục…

Năm 2012, tỷ lệ làng văn hóa toàn thành phố đã đạt 53,5%, so với năm 2011. Số làng được công nhận tăng 0,05%, mức tăng này là không nhiều nhưng quan trọng là chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. "Chúng tôi không đặt quá nặng mức hoàn thành chỉ tiêu cụ thể cho mỗi địa phương nên không tạo áp lực "chạy" theo thành tích" - bà Lê Thị Tân Trang cho biết.

Thời gian tới, chủ trương của thành phố là cùng với đẩy mạnh phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa sẽ gắn với chương trình xây dựng NTM. Thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng các nhà văn hóa tại các thôn, làng; ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa ở các xã miền núi được triển khai phù hợp, thích ứng với nhu cầu và điều kiện từng địa phương. Đây sẽ là cơ sở bước đầu để các địa phương đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa, góp phần vào hoàn thành sớm các chỉ tiêu trong xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói “không” với bệnh thành tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.