Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả nhưng ứng dụng còn hạn hẹp

Đào Huyền| 27/03/2013 06:38

(HNM) - Giảm lượng giống, tiết kiệm nước, hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bảo vệ môi trường là những ưu điểm nổi bật của mô hình ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI. Theo các chuyên gia nông nghiệp quốc tế, mô hình SRI áp dụng trồng lúa phù hợp nhất với sự biến đổi bất thường của khí hậu hiện nay.

Được triển khai tại Hà Nội từ năm 2007, đến nay gần 50% diện tích lúa Hà Nội được cấy lúa cải tiến SRI. Theo Chi cục BVTV Hà Nội, hiện thành phố có 51.350ha trồng lúa áp dụng mô hình này. Những huyện có diện tích lúa theo mô hình SRI lớn như: Phú Xuyên (trên 5.000ha, Mỹ Đức (trên 4.000ha), Chương Mỹ (khoảng 5.000ha… Trong 5 năm triển khai, mô hình SRI đã đem lại hiệu quả lớn, về kinh tế, xã hội và môi trường.

Chương Mỹ là một trong những địa phương triển khai hiệu quả mô hình lúa cải tiến SRI. Trước kia, do sản xuất lúa chủ yếu theo tập quán cũ nên năng suất cây lúa chưa cao, lợi nhuận thấp. Đặc biệt, nông dân còn chưa hiểu kỹ thuật thâm canh nên lạm dụng giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây ô nhiễm môi trường. Để thay đổi thói quen sản xuất cũ, năm 2008, Trạm BVTV Chương Mỹ phối hợp với UBND các xã mở lớp tập huấn nông dân thực hành canh tác lúa cải tiến tại ruộng. Với các nguyên tắc đơn giản, dễ thực hiện như cấy mạ non, cấy thưa, điều tiết nước hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… đã tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt, tăng năng suất, giảm sâu bệnh, đồng thời giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động. Đặc biệt, mô hình thâm canh lúa cải tiến đã đem lại năng suất vượt trội, lợi nhuận tăng khoảng 8-10 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp sản xuất truyền thống. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Mới đầu, thấy cấy thưa nên bà con tiếc đất, chưa muốn làm. Để thuyết phục người dân áp dụng SRI, xã phải cam kết đền bù thiệt hại cho các hộ tiên phong nếu mô hình cho năng suất thấp hơn đại trà nên nhiều bà con tham gia. Canh tác lúa theo phương pháp này có lợi ích là bông lúa nhiều và to hơn, ít sâu bệnh, chi phí giảm và hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ xuân năm 2013, xã Nam Phương Tiến triển khai ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến trên diện tích 50ha".

Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Ngô Tiến Dũng cho biết, mô hình lúa cải tiến SRI sẽ tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm 60% lượng thóc giống, 20-25% phân đạm nhu cầu tưới nước cho ruộng lúa giảm được khoảng 30% so với canh tác truyền thống… So với biện pháp canh tác truyền thống, thực hiện SRI giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Nhờ SRI, nhiều nước trên thế giới đã thu được năng suất đạt trên 80tạ/ha. Ngoài vấn đề nâng cao hiệu quả kinh tế, mô hình này còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp gây ra khi bón phân, phun thuốc trừ sâu bừa bãi. Một nghiên cứu nhanh của chương trình cho thấy nếu diện tích áp dụng SRI tăng lên 500.000ha thì mỗi vụ có thể tiết kiệm được 15.000 tấn thóc giống và 10.000 tấn phân đạm. Riêng tiền tiết kiệm thóc giống đã là 45 tỷ đồng/vụ. Nếu tính đến cả tác dụng cải thiện môi trường thì hiệu quả còn cao hơn.

Mặc dù mô hình lúa cải tiến SRI đã được khẳng định cả về lợi ích kinh tế lẫn hiệu quả bảo vệ môi trường song đến nay việc mở rộng còn gặp nhiều khó khăn. Tại Hà Nội, việc áp dụng SRI chủ yếu thông qua các trạm BVTV nên việc triển khai chưa rộng, nông dân chưa được tiếp cận nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả nhưng ứng dụng còn hạn hẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.