Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn điền đổi thửa ở Chương Mỹ: Những bài học kinh nghiệm

Nguyễn Mai| 13/05/2013 06:04

(HNM) - Đến nay, huyện Chương Mỹ dồn điền đổi thửa được gần 8.000/10.000ha đất nông nghiệp, là địa phương dẫn đầu thành phố trong công tác này.

Bà Trịnh Thị Hùng, xóm Trung, xã Hồng Phong cho biết: Trước khi DĐĐT, gia đình có 5 sào ruộng, chia làm 6 thửa ở 6 xứ đồng. Sau khi DĐĐT, giảm xuống chỉ còn 2 thửa, giúp canh tác thuận lợi. Nếu như trước đây làm 10 buổi, nay chỉ 3 buổi là xong, thời gian còn lại làm nghề phụ.

Thành công trong DĐĐT ở huyện Chương Mỹ tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Ảnh: Thái Hiền


Chương Mỹ là huyện có số xã nhiều nhất thành phố, phân bố theo 3 vùng dọc quốc lộ 6, tỉnh lộ 419 và đường Nguyễn Văn Trỗi. Trước khi DĐĐT, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn khá manh mún, trung bình mỗi hộ có 7 - 9 thửa ruộng, cá biệt có hộ tới 27 thửa ruộng. Tháng 10-2012, huyện bắt đầu triển khai kế hoạch DĐĐT. Huyện ủy đã ban hành nghị quyết, UBND huyện cũng đã có kế hoạch nêu cụ thể mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung và các bước tiến hành trong DĐĐT. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, toàn huyện đã DĐĐT được 7.947ha, giao ruộng cho 31.419 hộ tại 29 xã, giúp mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa (đạt 198,6% so với kế hoạch thành phố giao).

Sau DĐĐT, người dân đã góp 419.702m2 đất để làm giao thông, thủy lợi nội đồng và dùng vào đấu giá lấy kinh phí xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện các phương án DĐĐT thuận lợi, 27/32 xã, thị trấn cũng đã hoàn thành cơ bản giao thông thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng đào đắp hơn 4,1 triệu mét khối, kinh phí thực hiện ước đạt 184 tỷ đồng. "Thành công trong DĐĐT không những khắc phục được tình trạng manh mún trong sản xuất mà còn tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu" - Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho biết.

Còn theo Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hữu Văn Phùng Xuân Hiến, lúc đầu ông cũng không tin sẽ thành công, bởi Hữu Văn vốn là đất đồi gò, người dân đang sản xuất ổn định, giờ rũ ra dồn lại không biết người dân có thuận hay không? Nhưng bây giờ thì tin rồi - Ông Hiến nói. Sau khi có kế hoạch DĐĐT, xã đã công khai để người dân biết. Các thôn thành lập tiểu ban DĐĐT, phân công cán bộ, đảng viên tuyên truyền, giải thích cho người dân ở khu vực mình sinh sống hiểu. Đồng thời, công khai phương án DĐĐT, phân rõ các khu lúa, màu, thủy sản… để người dân đăng ký theo nhu cầu. Người dân được bàn bạc, gắp phiếu dân chủ, công khai nên không xảy ra thắc mắc, khiếu kiện.

Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, kinh nghiệm thành công ở các xã kể trên là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quá trình triển khai bảo đảm công khai, dân chủ nên tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bà Tuyến cũng cho biết thêm, DĐĐT là việc làm khó do liên quan, đụng chạm đến nhiều vấn đề, đòi hỏi cán bộ phải nhiệt tình, tâm huyết mới thành công. Ở một số thôn, làng, các tiểu ban DĐĐT còn tư tưởng nóng vội, chưa tuyên truyền để người dân hiểu, các bước triển khai còn chưa công khai minh bạch. Thậm chí, một số tiểu ban còn làm sai, gây bức xúc trong nhân dân như ở thôn Trung Vực Trong (xã Thượng Vực), thôn Trung Hoàng (xã Thanh Bình), đội 1, thôn Hạ Dục (xã Đồng Phú). Với những thôn gặp khó khăn, vướng mắc, BCĐ của huyện đã trực tiếp cùng BCĐ xã tổ chức đối thoại với nhân dân để tìm hướng khắc phục. Trước mắt đã giao tạm ruộng cho người dân sản xuất vụ xuân, đồng thời chỉ đạo 3 xã trên làm lại phương án DĐĐT, công khai để người dân bàn bạc, tạo đồng thuận tổ chức giao ruộng kịp thời cho dân sản xuất vụ mùa 2013. Hiện Chương Mỹ còn khoảng 2.000ha chưa DĐĐT chủ yếu tập trung ở xã Trường Yên, Phú Nghĩa và thị trấn Xuân Mai do liên quan đến các quy hoạch đô thị vệ tinh, khu công nghiệp và huyện phấn đấu sẽ hoàn thành trong năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn điền đổi thửa ở Chương Mỹ: Những bài học kinh nghiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.