Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương Ba Vì giàu mạnh

Hà Xuân Hưng| 19/07/2013 05:41

(HNM) - Huyện Ba Vì nằm ở phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội, là nơi sinh sống của ba dân tộc anh em Kinh, Mường, Dao. Trong suốt chặng đường 45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã phát huy truyền thống anh hùng,

Truyền thống anh hùng

Huyện Ba Vì được hình thành từ 3 huyện Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện, thuộc vùng đất "địa linh nhân kiệt". Mảnh đất, con người với truyền thống quý báu là nền tảng tinh thần to lớn, tạo điều kiện để nhân dân 3 huyện sớm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.

Chăm sóc đàn bò tại xã Tản Hồng (Ba Vì). Ảnh: Bá Hoạt



Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đồng bằng có "Vật Lại oai hùng, Đồng Tâm anh dũng", đồng bào Mường - Dao ở miền núi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn khu đầu não kháng chiến của tỉnh Sơn Tây. Năm 1954, hòa bình lập lại, Đảng bộ, nhân dân 3 huyện Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, với nhiều phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp. Những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, nhân dân 3 huyện hăng hái thi đua thực hiện các phong trào "Tay cày, tay súng", "Tay búa, tay súng" sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, tăng cường chi viện cho tiền tuyến vì miền Nam ruột thịt.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, để tập trung sức mạnh tổng hợp của địa phương, góp phần xây dựng hậu phương lớn miền Bắc vững mạnh, ngày 26-7-1968, Chính phủ đã ký Quyết định 120-QĐ/CP, hợp nhất 3 huyện Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện thành huyện Ba Vì. Từ đây, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì tiếp tục cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hình ảnh "cô gái Suối Hai" đã trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm của nhân dân và phụ nữ huyện Ba Vì. Nhân dân huyện Ba Vì luôn nêu cao khẩu hiệu "Giỏi tay cày, chắc tay súng", phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang" diễn ra sôi nổi. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ba Vì đã tiễn đưa 19.457 thanh niên lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc, cùng hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; đóng góp hơn 45.000 tấn lương thực; 4.662 người con yêu quý của Ba Vì đã anh dũng hy sinh, 3.450 người đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường; góp phần cùng cả dân tộc giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Ba Vì đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20-8-1978; 19/31 xã, thị trấn và lực lượng công an huyện được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 430 bà mẹ được phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng"; 29.400 huân, huy chương các hạng được trao tặng...

Bộ mặt nông thôn, miền núi khởi sắc

Bước vào công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển huyện Ba Vì, cán bộ và nhân dân trong huyện ra sức thi đua đạt những thành tựu mới trong xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân thường xuyên được củng cố, tăng cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đảng bộ huyện đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; quán triệt và triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh.

Trong phát triển kinh tế, huyện đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 5 năm qua. Tổng giá trị tăng thêm năm 2008 đạt 2.284 tỷ đồng, đến năm 2012 đạt 6.752 tỷ đồng, tăng bình quân 15%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh dịch vụ - du lịch; thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 8,6 triệu đồng, năm 2012 đạt 24,7 triệu đồng. Trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh, đến nay đã có 6.104 con bò sữa; xây dựng và phát triển tốt thương hiệu hàng hóa sữa và chè Ba Vì. Công tác văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm, đến nay đã có 82% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa và 104 làng, 58 cơ quan, đơn vị văn hóa; 31/31 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 18 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tạo việc làm mới cho trên 8.000 lao động/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5-3%/năm... Công tác xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng, trong 5 năm qua đã được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống nông dân được nâng cao.

Phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, trong những năm tới Ba Vì tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, nâng cao đời sống người dân. Huyện tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế - xã hội 7 xã miền núi, trong đó đầu tư từ nay đến năm 2015 khoảng 1.000 tỷ đồng với những công trình lớn như trường học, thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sạch... Huyện cũng đang xúc tiến thành lập thị trấn Tản Viên Sơn tạo ra một trung tâm đầu mối phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi; đồng thời tập trung phát triển du lịch; bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc dân tộc thiểu số người Mường và Dao... Ba Vì phấn đấu đến năm 2015 có 43% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người 34,8 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 8.500 lao động/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương Ba Vì giàu mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.