Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạng lưới thú y cơ sở: Nhân lực thiếu, chuyên môn yếu

Ngọc Quỳnh| 07/10/2013 06:45

(HNM) - Hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vẫn diễn ra nghiêm trọng và khó kiểm soát. Trong khi đó đội ngũ cán bộ, nhân viên thú y cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh chưa cao...

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Viện Thú y Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh vẫn xảy ra trên đàn GSGC ở nhiều địa phương là do sự lơ là của cán bộ TYCS. Mạng lưới thú y cơ sở (TYCS) là những thú y viên ở các xã, thôn, trình độ không đồng đều; nhiều người là bác sỹ, trung cấp hoặc sơ cấp thú y nhưng cũng có người chỉ mới được đào tạo ngắn ngày, được UBND xã và Trạm Thú y huyện ký hợp đồng làm công tác thú y. Hiện cả nước có trên 50.000 TYCS và thú y viên tự do, trong khi cả nước có 8,5 triệu hộ và hơn 20 nghìn trang trại chăn nuôi, điều đó cho thấy lượng thú y viên còn quá mỏng so với nhu cầu của các hộ chăn nuôi. Theo kết quả điều tra của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh cho người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ do Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp thực hiện, tỷ lệ hộ chăn nuôi không được nhận dịch vụ thú y ở các cơ sở nuôi lợn nái là 36,6%; cơ sở nuôi lợn từ khi sinh đến giết mổ 33,3% và cơ sở nuôi lợn vỗ béo là 37,6%.

Một trong những hạn chế lớn nhất đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thú y viên còn yếu. Hiện tại, tỷ lệ thú y viên tốt nghiệp trung cấp trở lên chỉ đạt 43% đối với cán bộ thú y xã và 31% đối với thú y tư nhân; hơn 50% số cán bộ thú y tại các địa phương không được đào tạo về chuyên môn, hơn 30% số cán bộ thú y chỉ được tập huấn đơn giản và gần 20% số cán bộ thú y mới qua đào tạo sơ cấp. Ngay ở Hà Nội, trình độ chuyên môn của TYCS cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Toàn thành phố cần 577 thú y trưởng nhưng đến nay mới tuyển được 400 người; thú y cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học mới chiếm 37,4%, trung cấp 41,4 %, không có bằng cấp chuyên môn 12,5 % và số người quá tuổi lao động chiếm 8,8 %. Nhân viên thú y thôn, bản có 2.400 người nhưng quá tuổi và không có chuyên môn chiếm tới 28,6 %. Do vậy khi xảy ra dịch bệnh, nhiều nhân viên TYCS lúng túng trong việc báo cáo cũng như thực hiện khoanh vùng, dập dịch.

Ngoài sự yếu kém về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, chế độ thù lao cho đội ngũ TYCS chưa thỏa đáng. Ngày 19-10-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1569/TTg-NN về hỗ trợ nhân viên thú y cấp xã (mỗi xã 1 người), bằng hệ số 1 của mức lương tối thiểu hiện hành. Thế nhưng, cả nước chỉ có TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang, Trưởng thú y xã được hưởng chế độ như viên chức xã, còn lại đều chỉ hưởng phụ cấp từ 0.5 đến 1.0, còn thú y thôn, bản, làng là 0.3 (khoảng 350 nghìn đồng/tháng). Do chế độ đãi ngộ thấp, nhiều nơi Trưởng thú y xã đi làm việc khác và thuê người làm công tác phòng chống dịch bệnh nên không phát hiện kịp thời dịch bệnh.

Củng cố mạng lưới thú y cơ sở

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thú y cộng đồng Nguyễn Văn Cảm, do mạng lưới TYCS không có ràng buộc và ít được hỗ trợ nên công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC gặp khó khăn. Thời gian tới, Nhà nước cần bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên thú y các cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từng giai đoạn. Đội ngũ TYCS, nhất là Trưởng thú y xã cần được vào biên chế, được ký hợp đồng dài hạn, có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như các loại hợp đồng lao động khác và được hưởng lương như viên chức xã. Hiện mỗi địa phương có cách quản lý và chi trả tiền cho mạng lưới TYCS khác nhau, nơi thì giao cho xã, nơi thì giao cho Trạm thú y huyện. Vì vậy, cần thống nhất cách thức chi trả chế độ, quyền lợi cho mạng lưới TYCS. Còn Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam Đậu Ngọc Hào cho rằng, Nhà nước cần sớm củng cố hệ thống, mạng lưới thú y từ trung ương đến địa phương. Chính phủ, Bộ NN& PTNT cần sớm ban hành quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ và chính sách, nhất là chính sách về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định mang tính quy phạm pháp luật đối với mạng lưới TYCS để họ thực sự yên tâm tham gia công tác xã hội như mọi ngành nghề khác, góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra và lây lan, bảo đảm cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình cho biết, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC, thời gian tới, Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn cả về kiến thức quản lý Nhà nước và kiến thức chuyên môn cho đội ngũ TYCS. Tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, các văn bản chỉ đạo của ngành, của thành phố, các cơ chế, chính sách trong thú y. Về chuyên môn, trước mắt sẽ tập huấn quy trình giám sát dịch bệnh, cách nhận biết và quy trình xử lý một số bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm, long móng, tai xanh… Đồng thời, tập huấn về phương pháp xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND cấp xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạng lưới thú y cơ sở: Nhân lực thiếu, chuyên môn yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.