Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Giải pháp chưa sát thực tiễn

Ngọc Quỳnh| 21/10/2013 06:13

(HNM) - Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đang xây dựng dự thảo đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các giải pháp trong đề án cần mang tính thực tiễn cao...

Phát triển theo hướng nâng cao giá trị

Theo Cục Chăn nuôi, mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành là phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu; duy trì mức tăng trưởng 5-6%/năm, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 35-37%/năm vào năm 2020; tăng tỷ lệ chăn nuôi trang trại và công nghiệp từ 50% lên 65%; số trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải từ 35% hiện nay lên 70% vào năm 2020…

Chăm sóc đàn bò sữa tại một hộ gia đình ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt


Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đề án tái cơ cấu ngành vẫn duy trì hai hình thức cơ bản hiện có là chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng quy mô đàn gia cầm, đàn bò sữa, ổn định đàn lợn, đàn trâu, bò thịt; khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ chuyển nhanh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ thành các gia trại và từ gia trại thành trang trại tập trung với quy mô vừa và lớn. Đồng thời, hình thành các vành đai cung cấp thực phẩm gắn với giết mổ tập trung công nghiệp, trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng gắn với thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần tập trung củng cố vành đai chăn nuôi ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khu công nghiệp dịch vụ - du lịch Quảng Ninh…

Bên cạnh đó, đề án sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm đi cùng với chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật, nhãn mác, và giá trị gia tăng giữa sản phẩm được giết mổ thông thường, truyền thống với sản phẩm được giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các địa phương phải xây dựng lộ trình khả thi để chuyển từ hình thức giết mổ trong hộ dân sang giết mổ tập trung, tới bán công nghiệp và công nghiệp để kiểm soát vệ sinh thú y. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi được khoanh nợ, giãn nợ, vay mới với lãi suất ưu đãi hoặc nhà nước dành ngân sách hỗ trợ 50-100% lãi suất tín dụng thương mại trong thời gian tối thiểu là 2 năm để phục hồi sản xuất sau thời gian dài khó khăn như vừa qua…

Phải có tính khả thi

Chủ nhiệm HTX chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) Trần Văn Chiến cho biết, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nhưng đến nay hầu hết các hộ dân chưa tiếp cận được. Hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi cũng đưa ra những giải pháp về tín dụng cho vay ưu đãi, tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn là vấn đề khó, bởi sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng lợi nhuận không cao. Trong khi đó, lĩnh vực này lại chịu nhiều rủi ro. Do đó, Nhà nước cần chỉ đạo đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi được vay vốn theo đúng chính sách đã có.

Theo các chuyên gia, đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã đề cập, nhiều vấn đề từ việc lựa chọn, bảo tồn, hỗ trợ phát triển con giống, vùng chăn nuôi tập trung, quản lý thức ăn, vấn đề giết mổ, thị trường tiêu thụ đến những chính sách để hỗ trợ người tín dụng, đất đai… Tuy nhiên, để chính sách áp dụng vào thực tế và có hiệu quả cao, các bộ, ngành cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc cho người chăn nuôi và chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, nhất là về cơ chế vay vốn của ngân hàng để người dân thực sự được tiếp cận với lãi suất ưu đãi của nhà nước.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho rằng, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng để không xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc"; sớm ban hành quy hoạch về chăn nuôi chung trên địa bàn cả nước để các địa phương căn cứ thực hiện quy hoạch; khi lập quy hoạch, các địa phương cần xác định rõ chỉ khuyến khích và phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư để giảm ô nhiễm môi trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Giải pháp chưa sát thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.