Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác dồn điền, đổi thửa: Nhiều nơi còn nóng vội, tùy tiện

Thúy Nga| 24/04/2014 06:28

(HNM) - Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hà Nội. Sau DĐĐT, nhiều nơi đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến và đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một vài địa phương có tình trạng cán bộ triển khai tùy tiện, nóng vội khiến người dân chưa đồng tình ủng hộ nên đã bỏ ruộng gây lãng phí.

Trong khi lúa xuân ở nhiều nơi đã vào thì con gái thì tại một số cánh đồng của xã Cao Viên (Thanh Oai), khoảng 90ha đất canh tác vẫn bị bỏ hoang do quá trình DĐĐT có những vướng mắc. Tìm hiểu được biết, đợt này, xã chỉ thực hiện DĐĐT 170ha đất trồng lúa. Đến nay, đã có 5/6 thôn tiến hành gắp phiếu nhận ruộng, trong đó thôn Phù Lạc và thôn Bãi đã tổ chức giao ruộng và nhân dân đã sản xuất ổn định, còn lại 50ha của thôn Đống chưa tổ chức gắp phiếu.

Ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, khi xây dựng phương án DĐĐT, xã Cao Viên chưa tổ chức bàn bạc thấu đáo với nhân dân đã tiến hành đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng. Quá trình này, đơn vị thi công đã không tiến hành san gạt, hoàn trả mặt bằng dẫn đến ruộng đất bị lồi lõm, có thửa ruộng biến thành vũng nước sâu. Ngoài ra, một bộ phận người dân có ý kiến về việc ruộng xấu, ruộng tốt và không muốn đóng góp kinh phí thực hiện đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng mà đề nghị cấp trên hỗ trợ 100%. Do có những khúc mắc với chính quyền và nhận thức chưa đầy đủ, nên mặc dù huyện đã đưa máy san gạt, hỗ trợ kinh phí làm đất, xây thêm cống tiêu nước... phục vụ sản xuất và yêu cầu xã Cao Viên mua mạ, thuê người cấy và cấp 600kg thóc giống cho các thôn gieo mạ cho diện tích người dân chưa nhận ruộng, bảo đảm không để diện tích lúa bị bỏ hoang nhưng khi đưa máy móc xuống đồng thì một số người dân đã ngăn cản.

Cảnh nông dân bỏ ruộng, không cấy vụ xuân để gây sức ép lên chính quyền địa phương trong quá trình DĐĐT còn xảy ra tại xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai), Nguyễn Trãi và Hòa Bình (Thường Tín), Lệ Chi (Gia Lâm)... Trong đó, huyện Thanh Oai có diện tích đất canh tác bị bỏ hoang nhiều nhất với khoảng 121ha, Thường Tín 60ha, Quốc Oai 50ha... Thực tế từ các điểm "nóng" cho thấy, đa số xã không DĐĐT được do chính quyền địa phương không thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, không chấp hành đúng các bước quy trình DĐĐT. Trong khi đó, một số ít người dân chưa nắm đúng chủ trương, chính sách đã lợi dụng DĐĐT đưa ra những đòi hỏi trái với quy định. Cụ thể, nhiều hộ dân đòi chia ruộng trái pháp luật; yêu cầu san gạt mặt ruộng bằng phẳng, mặc dù đã được hỗ trợ công cải tạo đất; ép cán bộ địa phương phải xử lý một số sai phạm trong quản lý đất đai những năm trước mới thực hiện DĐĐT như ở các xã Hòa Bình, Nguyễn Trãi (Thường Tín), Tân Tiến (Chương Mỹ)... Một số hộ trước đây tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng chưa làm đủ thủ tục dẫn đến tranh chấp cũng gây cản trở cho công tác DĐĐT...

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến nay, toàn thành phố đã thực hiện DĐĐT được gần 73.240ha, bằng 95,9% kế hoạch. Tuy số diện tích phải thực hiện DĐĐT còn lại không nhiều và nằm rải rác trên địa bàn 48 xã thuộc 12 huyện nhưng khó thực hiện bởi đây là những nơi đồng đất không thuận lợi, nhận thức về xây dựng NTM cũng chưa đầy đủ; trình độ năng lực cán bộ yếu kém. Về phía người dân, quyền lợi cũng chưa vượt qua lợi ích cá nhân, nhiều hộ gia đình cũng chưa hết mình với tập thể. Theo ông Chu Phú Mỹ, khắc phục tình trạng này, các ngành, các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và tổ chức thực hiện tốt Chương trình 02 của Thành ủy nói chung và công tác DĐĐT nói riêng. Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã tích cực giúp đỡ các xã triển khai thực hiện theo trình tự các bước trong quy trình thực hiện DĐĐT, đồng thời kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các xã trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, các địa phương cần tổng hợp đầy đủ những vướng mắc từ cơ sở để thống nhất phương án giải quyết, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương...

UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 1933/UBND-NNNT yêu cầu các huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn thực hiện công tác DĐĐT bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định, chất lượng và lợi ích hợp pháp của người dân; làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân; giải quyết dứt điểm, kịp thời, theo thẩm quyền những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân để tránh tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp gây mất trật tự an ninh xã hội; xử lý nghiêm những cán bộ, cá nhân vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện DĐĐT.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác dồn điền, đổi thửa: Nhiều nơi còn nóng vội, tùy tiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.