Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để nông dân “tự bơi”!

Ngọc Quỳnh - Sơn Tùng| 13/09/2014 06:22

(HNM) - Hiện nông dân là người sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhưng do tiêu thụ chậm hoặc phải thông qua thương lái nên bị ép giá, dẫn tới lợi nhuận thấp. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.


Để thắt chặt mối quan hệ này, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tuy nhiên thời gian qua việc liên kết hầu như bị bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không cao… Đây là những nội dung được nhận định trong hội thảo về vai trò của HTX tham gia chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12-9.

Đằng sau niềm vui được mùa, nông dân có thể âm thầm nếm trải đắng cay do bị thương lái ép giá.
Ảnh: TTXVN



HTX chưa phát huy được vai trò hỗ trợ

Ngày 25-10-2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 62/2013/ QĐ - TTg về chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, sau gần một năm ban hành quyết định, hầu như việc liên kết "4 nhà" không có chuyển biến, hầu hết nông dân làm ra sản phẩm đều "tự bơi" để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, vai trò của các HTX trong tiêu thụ nông sản thấp, chỉ thu mua được 5-10% số lượng nông sản nông dân sản xuất.

Theo ông Trần Xuân Long (Bộ Công thương), mô hình liên kết "4 nhà" nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ do chưa có phương thức liên kết phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của đôi bên; việc quy định và áp dụng các biện pháp chế tài khi nông dân và doanh nghiệp vi phạm thỏa thuận gặp nhiều khó khăn. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định, bền vững. Trong khi đó, năng lực tổ chức, quản lý và nhận thức của HTX, tổ hợp tác chưa đáp ứng yêu cầu đại diện cho nông dân. Đặc biệt là thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất, thu mua nên chưa thực sự phát huy được vai trò hỗ trợ của kinh tế tập thể đối với thúc đẩy quá trình liên kết. Nhiều nơi có biểu hiện trở thành khâu trung gian mới nên người dân thiếu tin tưởng, không đồng thuận ủng hộ đối với HTX.

Trong khi HTX chưa làm tốt vai trò giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản thì các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tiêu thụ nông sản chưa cụ thể. Các chế tài xử lý vi phạm không đủ mạnh để xử lý các hành vi cản trở, phá vỡ quan hệ liên kết. Ông Đỗ Văn Thưởng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thương mại Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội) nhận định, hiện xã có 45ha chuối tiêu hồng, 12ha cam các loại, hơn 100ha trồng các loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu thụ chậm, do không liên kết được với các doanh nghiệp, chủ yếu là bán buôn ở xa và bán lẻ tại các chợ. Mặc dù, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ một phần sản phẩm cho nông dân nhưng chỉ được 5% số lượng mà nông dân sản xuất ra.

HTX phải thực sự là cầu nối

Theo bà Phạm Thị Trầm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hoàng (Đông Hưng - Thái Bình), để phát triển nông nghiệp bền vững cần mối liên kết chặt chẽ "4 nhà", theo đó Nhà nước cần có các chính sách để tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là củng cố, phát huy vai trò của HTX dịch vụ nông nghiệp để là cầu nối, giúp doanh nghiệp và nông dân hợp tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất. Khi nông dân có vướng mắc trong hợp đồng với doanh nghiệp thì HTX phải đứng ra hướng dẫn họ làm các thủ tục cần thiết để người dân bán được nhiều sản phẩm cho doanh nghiệp với giá có lợi. Thực tế, muốn doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, hợp lý từ nông dân, HTX, các doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Ông Lê Văn Minh - Công ty TNHH một thành viên Công nông nghiệp Hà Nội cho biết, để nâng cao vai trò của HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới cần nâng cao trình độ quản lý của cán bộ HTX, năng động, hiệu quả, sát với nông dân, sát với quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý HTX, nâng cao thu nhập cho bà con xã viên để người dân yên tâm bám ruộng sản xuất.

Để việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thuận lợi thì việc xây dựng cơ chế liên kết không thể chỉ dùng biện pháp hành chính mà cần theo nguyên tắc điều tiết của thị trường, gắn với động lực lợi ích của các bên tham gia. Phương châm là chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, trách nhiệm rõ ràng, giữ chữ tín và xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên trong quan hệ liên kết. Để thực hiện xây dựng liên kết thành công, cần có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các cấp để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia liên kết, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc hiện nay. Ngoài ra, các HTX cần tự đổi mới mình, năng động với cơ chế thị trường, liên kết thành lập những HTX chuyên cung cấp từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân bằng cách ký kết các hợp đồng với trường học, cơ quan, xí nghiệp, đẩy mạnh mối liên kết với các doanh nghiệp… để tìm đầu ra cho sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để nông dân “tự bơi”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.