Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗ hổng về tuyên truyền và giáo dục pháp luật

Hà Phong| 30/09/2014 06:23

(HNM) - Thời gian gần đây, nhiều vụ trọng án liên tiếp xảy ra tại các vùng nông thôn Hà Nội. Đáng chú ý là các vụ án lại thường xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, có tính bột phát, nhất thời. Đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi phạm tội dã man này và làm sao để hạn chế các vụ việc là câu hỏi mà các cấp chính quyền, ngành chức năng cần phải lưu tâm.

Thiếu kiềm chế

Ngày 1-9, tại thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) đã xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng. Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong việc phân chia đất đai, Bùi Minh Đạt (SN 1978, trú tại thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc) đã sát hại người thân rồi bỏ trốn. Sự việc diễn ra khiến cho người dân trong thôn ai nấy đều không chỉ bức xúc mà còn rất hoang mang, bất ngờ. Bởi đối tượng Đạt không có tiền án, tiền sự, từ trước đến nay được cho là có nhân thân tốt, chưa từng cãi vã, gây sự với hàng xóm láng giềng. Phía cơ quan CA cũng có quan điểm tương tự và đang nhanh chóng thu thập chứng cứ, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, truy bắt hung thủ.

Trước hôm xảy ra vụ việc kể trên không lâu, ngày 28-8, TAND TP Hà Nội cũng đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ tội danh những kẻ tham gia cuộc xô xát giữa 2 hộ gia đình vốn là hàng xóm láng giềng ở xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn. Chỉ vì chuyện tiếng đài nhà hàng xóm "tra tấn" khiến con nhỏ quấy khóc, gia đình Nguyễn Quang Hào (thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ, Sóc Sơn) đã lên tiếng góp ý. Đáp lại, gia đình hàng xóm Nguyễn Quang Bình lại dùng lời lẽ thách thức. Hỗn chiến nổ ra ngay sau đó, kéo theo bố mẹ, anh em và các cháu của Hào, con đẻ, con rể của Bình cùng nhập cuộc, khiến nhiều người bị thương. Bình bị nặng nhất, nhưng được chuyển viện cấp cứu kịp thời song đã bị tổn hại tới 81% sức khỏe…

Nhìn rộng hơn, trong vòng 3 năm qua, trên toàn quốc đã xảy ra 4.020 vụ giết người do nguyên nhân xã hội, chiếm đến 92,8% số vụ giết người với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đa số đối tượng gây án là nam giới (chiếm 96,6%) được thực hiện bởi lỗi cố ý, địa bàn gây án nhiều nhất là ở nông thôn. Trong nhiều vụ gây chấn động dư luận, đối tượng khi gây án có nhân thân tốt nhưng bị bạn bè rủ rê lôi kéo dẫn đến ăn chơi đua đòi, suy đồi về đạo đức, lối sống. Lại có những vụ chỉ do mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ gia đình kéo dài không được giải quyết dẫn đến sát hại người thân.

Hạn chế về nhận thức pháp luật

Nhìn chung người dân ở các vùng nông thôn hổng kiến thức pháp luật. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, chính cơ quan truyền thông, mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm. Để kéo lượng độc giả, không ít tờ báo, đặc biệt là báo mạng, trang thông tin cá nhân không ngại ngần đưa những dòng tít giật gân, miêu tả chi tiết, đăng tải hình ảnh bạo lực của các vụ án hoặc đưa thông tin dựa trên lời khai của kẻ phạm tội mà không lưu ý đến ý kiến của nạn nhân và cha mẹ họ. Điều này vô tình cổ súy cho tội phạm, tạo cho không ít bạn đọc cảm giác chai sạn với bạo lực. Khi bị dồn vào đường cùng, có người hành động theo những gì mình tiếp nhận được từ truyền thông.

Như vậy, để tạo ra sự chuyển biến trong công tác phòng, chống tội phạm giết người ở khu vực nông thôn, không chỉ dựa vào lực lượng công an chú trọng nắm chắc các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay từ ban đầu, nhất là những mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp đất đai, giữa các nhóm thanh, thiếu niên để kịp thời tiến hành các biện pháp phòng ngừa, hòa giải, giáo dục mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan. Trong đó cơ quan quản lý nhà nước về thông tin tuyên truyền là ngành TT-TT cùng với chính quyền cơ sở, nhất là cán bộ thôn, xóm đóng vai trò không nhỏ. Một điểm quan trọng nữa là các cấp cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đặc biệt với thanh niên - vốn là nhóm có nguy cơ phạm tội cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ hổng về tuyên truyền và giáo dục pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.