Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ những “nút thắt” trong cơ chế, chính sách

Nguyễn Mai| 13/11/2014 06:19

(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP Hà Nội đang ở giai đoạn nước rút, tuy nhiên, quá trình thực hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ chế, chính sách xây dựng NTM không áp dụng được vào thực tiễn.



Trước tình hình đó, sáng 12-11, Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị "Đề xuất, bổ sung, ban hành mới chính sách xây dựng NTM và giải pháp phấn đấu hoàn thành các xã đăng ký đạt chuẩn NTM 2014". Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội Nguyễn Công Soái chủ trì hội nghị.

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, cần khuyến khích phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Bảo Lâm


Nhiều vướng mắc

Theo Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Lê Thiết Cương, hiện vẫn còn một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM chưa phù hợp với thực tiễn, tập trung ở tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa), tiêu chí số 3 (về thủy lợi), tiêu chí số 10 (về thu nhập). "Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, yêu cầu ngoài mỗi thôn có nhà văn hóa, khu thể thao, các xã còn phải có nhà văn hóa và trung tâm thể thao xã là không cần thiết, lãng phí bởi rất ít khi sử dụng. Khi có sự kiện cần hội họp, sử dụng hội trường UBND các xã vẫn bảo đảm yêu cầu. Đối với tiêu chí thủy lợi, yêu cầu tỷ lệ kilômét kênh mương cấp 3 do xã quản lý được cứng hóa đạt 85% trở lên là rất khó, do nguồn ngân sách đầu tư hạn chế. Trong khi đó, để làm được tiêu chí này cần một nguồn vốn rất lớn" - Ông Cương cho biết thêm.

Về vấn đề này, Ban chỉ đạo Chương trình 02 đã có giải pháp tháo gỡ, cụ thể với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, mới đây Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 235/BC-VHTTDL hướng dẫn thực hiện. Theo đó, quy định về điều chỉnh diện tích đất quy hoạch, giảm diện tích quy mô chỗ ngồi của nhà văn hóa và bổ sung khu vực vùng núi cao, xã đặc biệt khó khăn để các địa phương linh hoạt áp dụng. Lộ trình thực hiện đến năm 2015, 100% các xã quy hoạch xong đất xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Do vậy, trước mắt nguồn lực hạn chế, có thể chưa nhất thiết đầu tư xây dựng nhà văn hóa và trung tâm thể thao xã, nhưng phải có quy hoạch. Trước kiến nghị của huyện Phúc Thọ về điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ kênh mương cấp 3 do xã quản lý được kiên cố hóa ở Đồng bằng sông Hồng đạt từ 85% trở lên xuống còn 50%, Ban chỉ đạo Chương trình 02 cho rằng không hợp lý, bởi thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần kiên trì thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt do nguồn lực hạn chế, thời gian triển khai ngắn, các địa phương có thể lựa chọn cứng hóa các tuyến kênh chính phục vụ được nhiều diện tích của xã, các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; khi có điều kiện tiếp tục cứng hóa các tuyến kênh mương còn lại…

Bên cạnh việc một số tiêu chí khó hoàn thành, nhiều ý kiến phản ánh có nhiều điểm khó khăn khi thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác xây dựng NTM cũng còn nhiều điểm rất khó vận dụng vào thực tiễn. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đề nghị nâng mức hỗ trợ kinh phí đào đắp giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng từ 70% lên 100% do ngân sách cấp xã không có để thanh toán; huyện Ứng Hòa đề nghị bổ sung hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nhân công và máy thi công giao thông, thủy lợi nội đồng. Về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến bảo quản nông sản và giết mổ gia súc, gia cầm, một số địa phương đề nghị giảm quy mô cơ sở được hỗ trợ. Cụ thể, huyện Hoài Đức đề nghị điều chỉnh quy mô cơ sở sơ chế trứng gia cầm từ tối thiểu 50.000 quả/ngày, xuống còn 30.000 quả/ngày; công suất cơ sở giết mổ cũng giảm từ 30 - 50% quy mô theo quyết định hiện hành. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Tài chính và Ban chỉ đạo Chương trình 02, chủ trương của thành phố là khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để quản lý tốt hơn chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường… Các địa phương cần phấn đấu thực hiện.

Kiến nghị sửa đổi cho phù hợp

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội đưa vào kế hoạch 62 xã hoàn thành NTM năm 2014 (trong đó, có 2 xã của huyện Từ Liêm cũ). Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, các huyện, thị xã đã đăng ký tăng lên 85 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã chưa đạt chuẩn NTM năm 2013, 60 xã thành phố giao và 20 xã đăng ký thêm. Đến nay, đã có 20/85 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 34 xã đạt và cơ bản đạt 16 - 17 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu tập trung vào các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trường học, thủy lợi, giao thông, thu nhập, hộ nghèo… Ban chỉ đạo Chương trình 02 cho rằng, các địa phương cần rà soát, xác định nguyên nhân nghèo, phân loại hộ nghèo. Đối với những hộ có khả năng lao động, cần đánh giá thực trạng điều kiện của từng hộ, từ đó có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; đồng thời, đề nghị Chi cục Thống kê hướng dẫn các xã thống nhất cách tính toán thu nhập, rà soát tính thu nhập theo đúng hướng dẫn. Trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM ở địa phương, ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với tiêu chí môi trường, cần tăng cường tuyên truyền thực hiện chuyển đổi hình thức mai táng từ hung táng sang hỏa táng, chỉnh trang nghĩa trang, thu gom và xử lý rác thải đúng quy định…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội Nguyễn Công Soái đồng tình và chia sẻ khó khăn đối với các xã đang triển khai xây dựng NTM. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, lo ngại nhất là các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng NTM rồi nhưng lại không cố gắng thực hiện. Trong số 85 xã đăng ký, cần rà soát lại xem với khả năng hiện tại, các xã có thể hoàn thành được không; nếu cảm thấy khó quá thì xin rút để Ban chỉ đạo Chương trình dồn lực cho các xã có điều kiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 60 xã đạt chuẩn NTM. Về cơ chế, chính sách còn có vướng mắc, ngay sau hội nghị này Ban chỉ đạo Chương trình sẽ tổng hợp, kiến nghị thành phố sửa đổi cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ những “nút thắt” trong cơ chế, chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.