Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ lợi ích, nông dân sẽ tham gia

Bài, ảnh: Bạch Thanh| 17/11/2014 07:17

(HNM) - Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã và đang làm mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho hoa ở Mê Linh.



Ở nước ta hiện nay có khoảng trên 10 triệu người sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù, trong ngành nông nghiệp có gần 10.000 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN), song việc tham gia vào lĩnh vực dịch vụ BVTV lại không đáng kể. Không những thế, trên địa bàn cả nước có chưa đến 1.000 tổ, đội BVTV và những tổ, đội này chủ yếu tổ chức diệt chuột. Ở Hà Nội có gần 1.000 HTX NN, nhưng số HTX đảm đương dịch vụ BVTV cũng chỉ chiếm trên 20%. Chủ nhiệm HTX NN Vân Côn, huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Long cho rằng, việc phát triển dịch vụ BVTV là điều cần thiết nhằm phát triển bền vững vùng rau an toàn tại địa phương, tránh việc nông dân tự sử dụng thuốc BVTV như hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ này còn nhiều khó khăn, do đặc thù của loại hình sản xuất nhỏ lẻ, người sản xuất có thói quen tự đảm nhiệm tất cả các khâu trong sản xuất để hạn chế tối đa chi phí. Ngoài ra, nhu cầu dịch vụ phun thuốc BVTV không liên tục, nên khó huy động lực lượng phun thuốc.

Theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, công tác phòng, chống dịch hại trên các loại cây trồng đều do người sản xuất thực hiện nên việc xác định loài dịch hại không chính xác, không biết chọn mua thuốc BVTV... Trong khi nhận thức, hiểu biết của người sử dụng còn hạn chế thì thuốc BVTV lại được bán tràn lan, nông dân chủ yếu dựa vào "kê đơn" của người bán thuốc, chủ các đại lý thuốc BVTV để quyết định việc sử dụng. Vì lợi nhuận, người bán thuốc thường tư vấn để bán được nhiều thuốc, dẫn tới tình trạng pha chế thuốc không đúng nồng độ, lượng dung dịch thuốc phun không bảo đảm. Nếu có sự liên kết, tổ chức sản xuất, hình thành tổ chức dịch vụ BVTV với trang thiết bị phù hợp thì chỉ cần từ 4 đến 6 người là có thể phòng trừ dịch hại trên diện tích tương đương với vài trăm người như hiện nay. Khi số người sử dụng thuốc giảm sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV hiệu quả. Thay vì tập huấn cho hàng nghìn nông dân sử dụng thuốc BVTV, cán bộ chuyên trách BVTV tại địa phương chỉ cần làm việc với một nhóm người nhất định, tiến tới các tổ dịch vụ phun thuốc BVTV phải có đơn của cán bộ BVTV cơ sở, tránh phun kèm, phun ghép nhiều loại. Khi sử dụng thuốc BVTV đúng cách, sẽ giảm được 70% chi phí, nông dân thấy được lợi ích sẽ tích cực tham gia. Sử dụng theo hình thức dịch vụ BVTV không chỉ khiến việc dùng thuốc hiệu quả, khoa học hơn mà còn góp phần giảm nguy cơ độc hại tới con người. Bởi lẽ, người trực tiếp làm dịch vụ BVTV phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành trồng trọt, BVTV, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về BVTV; có trang thiết bị làm dịch vụ BVTV phù hợp...

Được biết, Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm phát triển dịch vụ BVTV giai đoạn 2015-2017 và dự thảo Quyết định ban hành một số chính sách thí điểm phát triển dịch vụ BVTV của Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo, HTX NN sẽ thành lập tổ dịch vụ BVTV hoặc các tổ chức, cá nhân thành lập tổ hợp tác dịch vụ BVTV gồm tổ trưởng và các tổ viên trên tinh thần tự nguyện. Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần kinh phí thành lập tổ đội dịch vụ BVTV, tập huấn nghiệp vụ về BVTV, mua tài liệu với mức không quá 2 triệu đồng cho mỗi thành viên của tổ dịch vụ; hỗ trợ một lần kinh phí thực tế mua máy phun rải thuốc với mức không quá 3 triệu đồng/10ha ký hợp đồng dịch vụ; hỗ trợ thành viên của tổ dịch vụ BVTV 100% chi phí đóng bảo hiểm. Hiện tại, Hà Nội đang tích cực xây dựng và phát triển các tổ dịch vụ BVTV, nòng cốt là các HTX NN, các tổ hợp tác, theo hướng tập trung, chuyên sâu, dễ tiếp cận, đáp ứng được nhu cầu dịch vụ của người sản xuất, chịu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền và cơ quan chuyên môn. Phấn đấu đến năm 2015 có 90% diện tích lúa sẽ được các tổ dịch vụ đảm nhận, tiến tới mở rộng sang các cây trồng khác như rau, cây ăn quả…

Theo kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản mới đây của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,95 triệu hộ có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; gần 10,36 triệu hộ sử dụng đất trồng cây hằng năm; 5,1 triệu hộ sử dụng đất trồng cây lâu năm. Trong khi đó chỉ có gần 4.000 cán bộ BVTV từ trung ương đến cấp huyện; bình quân mỗi cán bộ BVTV phải kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cho trên 3.000 người sử dụng thuốc. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), việc có quá nhiều người sử dụng thuốc BVTV là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó kiểm soát việc sử dụng thuốc cũng như việc hướng dẫn sử dụng thuốc đúng nguyên tắc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rõ lợi ích, nông dân sẽ tham gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.