Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến về trật tự đô thị và nông thôn

Bình Yên| 25/11/2014 06:37

(HNM) - Còn hơn một tháng nữa mới khép lại năm 2014, nhưng huyện Hoài Đức đã có 16/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch thành phố giao.

Trong đó, một số chỉ tiêu khó khăn đã được Huyện ủy, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo từ những quý đầu nên đạt khá cao như: Giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là những chuyển biến trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" năm 2014.

Đường làng ngõ xóm xã Yên Sở (Hoài Đức) đã được bê tông hóa, khang trang sạch đẹp. Ảnh: Thái Hiền


Lan tỏa nếp sống văn minh

Với một huyện có nhiều làng nghề như Hoài Đức, cùng với việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình thì tình trạng ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, lãnh đạo huyện xác định, cốt lõi trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" là phải nâng cao ý thức của nhân dân về xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, bảo vệ môi trường. Nhiều chiến dịch tuyên truyền được tổ chức đến khu dân cư, thôn, làng và từng hộ gia đình. Các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức cho hội viên, đoàn viên và nhân dân cam kết thực hiện "Nếp sống văn minh". Mỗi xã phấn đấu xây dựng ít nhất một tuyến đường văn minh đô thị, riêng thị trấn Trạm Trôi thực hiện tiêu chí "Thị trấn văn minh đô thị". Cụ thể hóa mục tiêu này, MTTQ và đoàn thể các xã, thị trấn đã vận động nhân dân tham gia ngày thứ bảy, chủ nhật tình nguyện; xây dựng đoạn đường tự quản, tuyến đường sạch, đẹp… Đặc biệt, huyện đã tổ chức cuộc thi "Giữ gìn ngõ, phố xanh, sạch đẹp", được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, từ đó phong trào tổng vệ sinh định kỳ, tự quản tuyến đường lan tỏa rộng khắp; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu cơ bản được khắc phục; môi trường ở các làng nghề từng bước được cải thiện.

Đánh giá kết quả "Năm trật tự và văn minh đô thị", điều ông Nguyễn Quang Đức hài lòng nhất không phải là xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm; xóa được bao nhiêu chợ cóc, chợ tạm… mà ý thức của nhân dân đã được nâng cao. Bởi, nhân dân chính là chủ thể thực hiện tốt nhất việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, hiện thực hóa các tiêu chí của "Năm trật tự và văn minh đô thị", làm cho diện mạo các vùng quê sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.

Vượt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới

Năm 2014, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt danh hiệu này lên 10 xã. Chủ tịch Nguyễn Quang Đức nhớ lại, giai đoạn đầu xây dựng NTM (năm 2010), huyện gặp rất nhiều khó khăn về thu hút nguồn lực đầu tư, cách thức tiến hành và nhận thức của nhân dân. Lúc đó, UBND huyện làm việc với 12 xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Sau đó, nhiều giải pháp được triển khai. Huyện xác định rõ cho cán bộ đảng viên và nhân dân lộ trình, việc cần làm, làm thế nào, từ đó tạo được sự đồng thuận. Vì thế, nhân dân đã tự nguyện đóng góp 3.450 ngày công lao động, hiến trên 31.000m2 đất, xây dựng 5 công trình, góp trên 35 tỷ đồng để kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm.

Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội được cải tạo, nâng cấp và xây mới; một số mô hình sản xuất được hình thành và hơn hết là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân Hoài Đức. Huyện cũng đã xây dựng vùng trồng nhãn muộn 85ha, thu nhập trên 500 triệu đồng/ha; vùng trồng phật thủ 75ha, thu nhập trên 600 triệu đồng/ha... Đời sống và thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, năm 2014 đạt 34,4 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 triệu đồng so với năm 2013; số hộ nghèo chỉ còn 1,6%.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lực xây dựng NTM của các xã còn hạn chế (chủ yếu từ ngân sách thành phố và huyện), trong khi đó một số cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo thiếu quyết liệt. "Để có thêm từ 2 đến 3 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015 và hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2018, chúng tôi tiếp tục phải giải quyết những bất cập này" - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức quả quyết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến về trật tự đô thị và nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.