Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới: Không chạy theo thành tích

Nguyễn Mai| 28/01/2015 06:05

(HNM) - Hiện nay, Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy Hà Nội đang tập trung rà soát, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí nông thôn mới (NTM) theo đề nghị của các địa phương để có căn cứ đề nghị UBND thành phố cấp bằng công nhận xã hoàn thành xây dựng NTM năm 2014.

Tuyến kênh mương được bê tông hóa toàn bộ theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Đình Huệ

Chuyển biến về chất

Tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, theo đánh giá của địa phương, đến nay đã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM với thang điểm địa phương tự chấm đạt 96,25 điểm. Chủ tịch UBND xã Phượng Cách Nguyễn Đắc Hải cho hay, bên cạnh cái được về cơ sở hạ tầng, điều khiến nhân dân trong xã phấn khởi nhất là đời sống văn hóa tinh thần đã được tăng lên một bước. Các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao được khơi dậy và hoạt động sôi nổi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, xã Phượng Cách đã xây dựng được hình mẫu về việc tang văn minh, thu gom rác thải… Xã Phượng Cách tự chấm điểm NTM theo Hướng dẫn số 456 (ngày 11-12-2013 của Sở NN&PTNT HN) theo 5 nhóm với thang điểm 100 gồm: quy hoạch (4 điểm), hạ tầng kinh tế xã hội (36 điểm), phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất (18 điểm), văn hóa xã hội và môi trường (30 điểm), hệ thống chính trị (12 điểm). Để đạt chuẩn NTM không có tiêu chí nào bị điểm liệt dưới 0 điểm. Số điểm xã Phượng Cách tự trừ do 2 nhóm tiêu chí: văn hóa xã hội và môi trường (trừ 0,5 điểm) và tiêu chí trường học trừ 2,75 điểm...

Xã Liên Hà, huyện Đan Phượng lại là một trong những địa phương điển hình trong phát triển kinh tế. Ngoài sản xuất nông nghiệp, nghề mộc ở Liên Hà có bước phát triển vững chắc tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận với thu nhập khá. Mặc dù thu hút hàng trăm lao động ở các nơi khác về làm nhưng an ninh trật tự ở xã Liên Hà luôn bảo đảm: Không có tệ mại dâm, người nghiện ma túy có xu hướng giảm (từ trên 10 đối tượng trước đây, nay chỉ còn 2). Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Kiên tự hào: Liên Hà là xã duy nhất của huyện được điểm tối đa tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa với nhà văn hóa, khu thể thao xã khang trang. Toàn bộ đường giao thông của xã đã được cứng hóa, các con đường đều được đặt tên, nhà ở trong khu dân cư được đánh số... Đặc biệt, trong xây dựng hạ tầng, người dân đã tham gia xây dựng được rất nhiều công trình, có những tuyến đường ngõ xóm được xã hội hóa 100% với số tiền đóng góp lên đến 200 triệu đồng và hàng tỷ đồng xây dựng các cổng làng, cổng xóm. Thành công trong xây dựng NTM ở các địa phương đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.


Đường làng, ngõ xóm tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) khang trang, sạch đẹp nhờ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Viết Thành

Người dân phải được hưởng lợi thực sự

Những kết quả đạt được trong thực hiện tiêu chí NTM ở các địa phương là rất lớn. Tuy vậy, dù đủ tiêu chí để công nhận xã đạt chuẩn NTM song thực tế vẫn còn rất nhiều việc các địa phương phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Hồng Kiên cho biết, mặc dù có làng nghề phát triển nhưng điểm sản xuất tập trung phục vụ làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của người dân, môi trường vẫn còn ô nhiễm. Tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy xã Ngô Văn Chiến nêu thực tế: Việc duy trì, giữ vững tiêu chí cũng là một thách thức đối với địa phương bởi các tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, vệ sinh môi trường phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân.

Đến thời điểm này, các tiêu chí thường bị trừ điểm nhiều nhất ở các địa phương là: Thiếu nước sạch, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, hình thức tổ chức sản xuất… Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn NTM của thành phố, ông Lê Thiết Cương khẳng định, việc đánh giá các tiêu chí NTM của Hà Nội theo đúng tinh thần khách quan, đúng thực trạng, không chạy theo thành tích. Do đó, quá trình đánh giá tại một số xã, như Thạch Thán (huyện Quốc Oai), xét thấy người dân vẫn còn những khúc mắc với chính quyền địa phương về vấn đề ruộng đất, còn khiếu kiện đông người, tập trung nên dù đã có đề nghị lên thành phố thẩm định song Tổ công tác kiên quyết chưa chấm điểm. Hay một số xã của huyện Đông Anh, người dân chưa đồng thuận với việc công nhận xã NTM nên Tổ công tác cũng yêu cầu khi nào thực sự đồng thuận mới đánh giá, chấm điểm. Ông Cương cũng nhấn mạnh: Để bảo đảm tính liên tục của xã NTM, công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục, 5 năm 1 lần chứ không phải là công nhận vĩnh viễn. Quá trình chấm điểm, không chạy theo thành tích, kể cả các xã đã đạt tiêu chí vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM một cách thường xuyên, liên tục và cốt lõi của việc xây dựng NTM chính là làm thế nào để người dân phải được hưởng lợi thực sự.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới: Không chạy theo thành tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.