Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây cầu nối đôi bờ mùa xuân

Minh Huệ| 23/02/2015 05:12

(HNMO)- Đó là cách gọi của người dân quanh vùng về cây cầu Mỹ Hưng – Tả Thanh Oai bắc qua sông Nhuệ...


Đoạn sông Nhuệ tính từ ngã ba sông Tô Lịch - sông Nhuệ (thuộc địa bàn xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) xuống đến cống 6 cửa (thuộc địa bàn xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) dài gần chục cây số. Cách đây khoảng hơn 30 năm, người dân ở hai bên sông đi lại, giao lưu, buôn bán hoàn toàn bằng một phương tiện duy nhất là đò ngang. Suốt chiều dài đoạn sông này, thời điểm đó có hàng chục bến đò ngang hoạt động để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong vùng.

Cầu Mỹ Hưng - Tả Thanh Oai bắc qua sông Nhuệ nối liền huyện Thanh Oai và huyện Thanh Trì


Đến năm 1985, khi cầu Cự Đà (cây cầu đường sắt bắc qua sông Nhuệ) được đưa vào hoạt động, người dân quanh vùng đã bắt đầu qua sông bằng cây cầu này. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù đã có cầu kiên cố bắc qua sông nhưng do đường đi đến cầu quá xa, lại không thuận lợi nên rất nhiều người dân ở xã Mỹ Hưng và một vài xã khác thuộc huyện Thanh Oai vẫn chọn hình thức qua sông Nhuệ để sang xã Tả Thanh Oai bằng đò ngang. Chính vì thế, mặc dù cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng hơn 20 km, nhưng gần 30 năm qua, tại một khúc sông Nhuệ vẫn còn tồn tại không ít bến đò ngang đưa đón khách qua sông.

Ban đầu, việc đưa đò từ bên này sông sang bên kia sông vẫn bằng mái chèo, con sào. Nhưng cùng với thời gian, những người lái đò ở đây cũng nghĩ ra cách đóng cọc cố định ở 2 bờ sông, rồi buộc dây vào đầu 2 cọc, cứ thế họ chỉ việc nắm vào dây và đưa đò qua sông. Bởi vậy mới gọi là “đò đu dây”.

Cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của cả một vùng quê ngoại thành Hà Nội phát triển


Bây giờ, trên khúc sông Nhuệ (một bên là thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì; một bên là thôn Thạch Nham, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai), thay vào bến đò đu dây trước đây là cây cầu kiên cố, với bề mặt cắt ngang rộng 6,5m, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng đi lại.

Anh Nguyễn Thế Công, người dân xã Mỹ Hưng không giấu nổi niềm vui: “Tôi làm ga ra ô tô ở Hà Đông. Trước đây khi chưa có cầu, hàng ngày đi từ nhà đến nơi làm việc rất vất vả vì đường xá xa xôi, lại chật hẹp. Vất vả nhất là những hôm mưa gió, hoặc khi trời tối mà qua sông bằng đò rất nguy hiểm. Nhưng từ khi cây cầy hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc đi lại của tôi thật thuận lợi, chỉ cần qua cầu, mất khoảng 15 phút là tới nơi làm việc, thay vì trước đây phải đi mất 30 phút bởi đi thêm quãng đường vòng vèo 6-7 km”.

Con đò một thời từng đưa đón khách qua sông, thì nay "nằm" im lìm ngay dưới chân cầu


Niềm vui của anh Nguyễn Thế Công cũng là niềm vui chung của nhiều người dân xã Mỹ Hưng và các xã lân cận, bởi cầu Mỹ Hưng – Tả Thanh Oai hoàn thành giúp cho việc đi lại, giao lưu, buôn bán hàng ngày của họ thêm thuận lợi, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí. Bây giờ, dù trời mưa hay trời nắng, dù sông Nhuệ cạn nước hay đầy nước, dù trời khuya hay sớm, họ cũng không phải canh cánh bên lòng nỗi lo qua sông Nhuệ trên những chuyến đò đu dây với những nguy hiểm luôn rình rập.

Cùng với cây cầu Mỹ Hưng – Tả Thanh Oai (được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng) là tuyến đường dẫn bên phía xã Mỹ Hưng được đầu tư xây dựng kiên cố, rộng rãi, khang trang cũng đã hoàn thành trong dịp Tết Ất Mùi này. Tuyến đường dẫn này là một trong những trục giao thông chính của xã Mỹ Hưng nối với những tuyến đường khác của huyện Thanh Oai; bên cạnh đó, chỉ vài tháng nữa, tuyến đường bờ sông Nhuệ thuộc địa bàn xã Tả Thanh Oai (đoạn Siêu Quần-Thượng Phúc) cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đó, tạo ra trục giao thông thông suốt, rút ngắn quãng đường từ xã Mỹ Hưng và các xã lân cận của huyện Thanh Oai đến trung tâm Hà Nội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trong vùng phát triển, tạo ra diện mạo mới cho một vùng quê, giúp các địa phương sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bến đò đu dây này cũng sẽ chỉ còn trong ký ức một thời


Thời điểm này, cách cây cầu Mỹ Hưng – Tả Thanh Oai khoảng hơn 1 km (về phía thượng lưu sông Nhuệ) vẫn còn bến đò đu dây – nối một bên là thôn Bình Minh (xã Mỹ Hưng) và một bên là thôn Thượng Phúc (xã Tả Thanh Oai) gần như không còn có khách qua sông. Dù biết sẽ mất đi nghề “kiếm cơm”, nhưng chủ đò - ông Nguyễn Văn Đại (thôn Bình Minh) vẫn vui với niềm vui chung của người dân quê mình kể từ khi cây cầu được đưa vào hoạt động, bởi giờ đây khái niệm “vùng sâu, vùng xa” đối với làng, xã quê ông không còn nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây cầu nối đôi bờ mùa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.