Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kém bền vững, thiếu an toàn

Hữu Hoài| 04/03/2015 07:21

(HNM) - Bên cạnh mô hình tổ chức quản lý sau đầu tư công trình cấp nước tập trung nông thôn hiệu quả, khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn còn nhiều công trình hoạt động kém, chất lượng nước chưa ổn định...

Kết quả kiểm tra 132 công trình cấp nước nông thôn của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho thấy, các công trình cấp nước ngày càng được mở rộng nhờ kiểm soát tốt cả về số lượng, chất lượng và thuận lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành khai thác bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến các công trình cấp nước ở nhiều địa phương chưa phát huy hết ưu điểm, thiếu tính bền vững, nhiều công trình hư hỏng, không thể sử dụng. Trong số 106 công trình cấp nước ở 16 huyện được xác định nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia, có 78 công trình cấp nước hoạt động ổn định với công suất thiết kế 300-2.000m3/ngày đêm cung cấp nước cho khoảng 286.000 người dân. Theo đánh giá năm 2014, có 46 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 59% và 32 công trình hoạt động không bền vững, chiếm tỷ lệ 41%. Đối với 28 trạm cấp nước xây dựng dở dang, tạm dừng hoạt động và tạm dừng xây dựng có 11 trạm chuyển thành trạm cấp nước trung chuyển nước sạch từ hệ thống nước sạch của thành phố, 4 công trình xây dựng dở dang, 3 trạm cấp nước giao cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, 10 công trình dừng hoạt động do công trình bị xuống cấp hư hỏng không cấp được nước cho nhân dân...

Trạm cấp nước xã Đồng Quang (Quốc Oai) khai thác nguồn nước ngầm cạnh mương thoát nước, ruộng rau, rác thải...


Đánh giá về việc cung cấp nước sạch cho người dân ngoại thành Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết, hiện tại vấn đề ô nhiễm nguồn nước và nhu cầu cấp nước sạch cho người dân là những thách thức lớn đáng được quan tâm. Tổng công suất thiết kế của các trạm cấp nước tập trung nông thôn là 57.080m3/ngày đêm, song công suất thực tế chỉ đạt khoảng 42.000m3/ ngày đêm. Hiệu suất hoạt động trung bình của tất cả các trạm đạt khoảng 74,30% so với công suất thiết kế. Có 14 trạm hoạt động vượt công suất thiết kế, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 18% số trạm nhưng cũng có nhiều trạm chỉ hoạt động ở mức rất thấp, hoạt động cầm chừng theo mùa do nhu cầu dùng nước của các hộ dân chưa cao hoặc do các trạm cấp nước chưa hoàn thành việc thi công mạng đường ống dịch vụ cung cấp nước cho các hộ dân. Tỷ lệ thất thoát nước hiện nay của các trạm cấp nước tập trung ở nông thôn khá cao, thấp nhất là 10% và cao nhất là 70%, trung bình khoảng 30%. Nguyên nhân chủ yếu do công trình xây dựng từ lâu, hệ thống đường ống không được đầu tư cải tạo, nâng cấp nên nhiều nơi bị xuống cấp, bục vỡ.

Về chất lượng nước từ các công trình cấp nước tập trung, các chỉ số có tác động lớn đến sức khỏe con người như asen, coliform, E.coli... đã được xử lý đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như chỉ số pecmanganat, amoni... ở hầu hết các trạm đều vượt quy chuẩn. Một vấn đề nổi cộm trong công tác vệ sinh tại các trạm cấp nước tập trung hiện nay là vấn đề xử lý chất thải trong quá trình lọc nước. Phần lớn chất thải trong quá trình lọc nước có chứa rất nhiều các kim loại như sắt, asen… bị xả thẳng ra môi trường, ngấm xuống đất, sau đó nguồn nước lại được khai thác lên để tái sử dụng. Trong số các trạm cấp nước đang hoạt động ổn định, chỉ có 1 trạm cấp nước có hệ thống xử lý chất thải. Theo ông Đỗ Quý Hùng, nguyên nhân do các trạm cấp nước xây dựng từ lâu, thiết kế trạm đấu mối lạc hậu, diện tích đất trạm đầu mối nhỏ và nằm xen kẹt ở khu đông dân cư… Trước đây, vấn đề xử lý chất thải chưa được quan tâm dẫn đến thiết kế của trạm không có hệ thống xử lý chất thải.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, hết năm 2015, tỷ lệ dân số nông thôn Hà Nội dùng nước hợp vệ sinh là 99%, trong đó, 40% dân số được dùng nước sạch. Từ thực trạng trên và tình trạng đói vốn đầu tư cho các dự án nước sạch nằm trong quy hoạch đặt ra không ít thách thức. Bài toán đặt ra ở đây là cần phải có sự can thiệp hiệu quả để tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Một trong những giải pháp hiệu quả đó là sớm xem xét chuyển đổi mô hình quản lý đối với đơn vị yếu kém, thay vào đó, giao cho đơn vị, tập thể có trách nhiệm, tâm huyết trong cấp nước an toàn nhằm thúc đẩy quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn bền vững, không bị ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kém bền vững, thiếu an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.