Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng khoa học công nghệ, tạo vùng chuyên canh lớn

Nguyễn Mai| 01/05/2015 07:13

(HNM) - Mặc dù những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách đồng bộ ở Hà Nội chưa nhiều nhưng việc áp dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất thì đã và đang được nhiều nông dân triển khai, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Ứng dụng máy cấy lúa hiện đại vào sản xuất giúp bà con nông dân tiết kiệm được thời gian, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hải Anh



Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ xuân 2015, tổng diện tích gieo trồng toàn thành phố đạt 124.117ha, trong đó diện tích lúa 99.812ha, đạt 100,3% KH; diện tích cây màu: 21.305ha, đạt 90% KH. Điểm nổi bật của sản xuất vụ xuân năm 2015 là diện tích lúa chất lượng cao tăng nhanh, trong đó các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức, lúa chất lượng cao chiếm từ 45 đến 68% diện tích. Lúa cấy bằng máy có xu hướng tăng (diện tích gieo sạ 3.169ha; diện tích cấy bằng máy đạt 1.265,3ha). Diện tích thâm canh lúa cải tiến tiếp tục mở rộng, tổng diện tích ứng dụng khoảng 50.000ha, trong đó ứng dụng toàn phần 15.000ha và ứng dụng từng phần (chủ yếu cấy 1 dảnh) 35.000ha. Các huyện có nhiều diện tích thâm canh lúa cải tiến như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên... Các quận, huyện triển khai nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân về thời vụ, kỹ thuật cấy, sử dụng phân bón, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời... Hiện nay lúa đang ở giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trỗ, nhìn chung sinh trưởng, phát triển tốt. Một số ít diện tích xuất hiện sâu bệnh và gây hại cục bộ như bệnh đạo ôn lá, chuột phá hoại… Sở NN&PTNT Hà Nội đã có chỉ đạo xử lý kịp thời.

Tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, thay vì sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống mỗi năm cấy 2 vụ lúa (vụ xuân, vụ mùa) và 1 vụ màu (vụ đông) thì hiện nay, hàng trăm hộ dân của xã chỉ cấy 1 vụ lúa mùa, thời gian còn lại, các hộ dân chuyển sang trồng khoai tây thương phẩm vụ đông, và trồng khoai tây làm giống trong vụ xuân. Sau khi thu hoạch khoai tây giống vụ xuân (tháng ba), tranh thủ khoảng thời gian khi bước vào vụ mùa, bà con xuống giống các loại dưa lê, dưa kim cô nương, dưa bở… tính ra, thu nhập cao hơn hẳn so với cây lúa truyền thống.

Nếu như nông dân xã Hương Ngải năng động trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, vụ xuân này, người dân đã tham gia sản xuất 20ha lúa theo quy trình hữu cơ. Điểm hay của mô hình chính là địa phương đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu toàn bộ gạo cho thị trường Nhật Bản với giá cao hơn nhiều so với gạo truyền thống. Được biết, sau thành công của mô hình này, thời gian tới xã Đồng Phú sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích cấy lúa hữu cơ trong vụ mùa, đến vụ đông xã tiếp tục triển khai mô hình khoai tây hữu cơ xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Thị Thoa, ngoài một số mô hình cụ thể ở các địa phương, cơ giới hóa đã và đang được các xã, HTX và cá nhân đầu tư ở một số khâu chính như làm đất, gieo cấy và thu hoạch lúa. Ngoài sự hỗ trợ của thành phố, một số huyện còn có chính sách hỗ trợ riêng, như huyện Phúc Thọ hỗ trợ 10% giá trị máy gặt đập liên hợp, 50% giá trị máy cấy; huyện Đông Anh, Thạch Thất hỗ trợ 100% giống cho diện tích lúa cấy bằng máy; 50% giá trị máy cấy và một phần vật tư nông nghiệp... Các mô hình đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn phương pháp truyền thống, giảm chi phí cho người nông dân từ 20% đến 30%.

Đến nay, Hà Nội đã hình thành một số cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết huyện có quy hoạch sản xuất lúa. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao ra đời như trồng hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh… với giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng, thậm chí 2 tỷ/ha/năm. Phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao như: Chuối nuôi cấy mô 68ha; nhãn muộn 30ha; đu đủ 25ha. Thâm canh theo VietGAP (110ha), gồm: Cây bưởi 20ha, nhãn 90ha tại các huyện: Ba Vì, Hoài Đức, Chương Mỹ. Riêng vùng nhãn chín muộn cho thu nhập 0,8-1 tỷ đồng/ha. Mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai… với giá trị 1-2 tỷ/ha/năm và các mô hình chăn nuôi thủy sản ở một số xã thuộc huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm, Thanh Oai, Quốc Oai… với giá trị 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, Sở NN& PTNT Hà Nội cũng đang hoàn tất các thủ tục tiến tới sẽ hỗ trợ cho các địa phương trong việc xuất khẩu nông sản ra nước ngoài, trước mắt là sản phẩm nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức.

Tháo gỡ những khó khăn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hiện nay, UBND thành phố đang tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách đã ban hành và nghiên cứu đề xuất, trình HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách mới sát thực tế, thuận tiện và đơn giản trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt, trọng tâm là sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, sản xuất hoa, cây cảnh, cây ăn quả giá trị cao, nuôi trồng thủy sản thâm canh, chăn nuôi trang trại, nuôi bò sữa... "Với lợi thế Thủ đô - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết - Hà Nội sẽ tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác của các cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành quốc gia, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư". Ông Mỹ cũng đề nghị UBND thành phố tăng cường mức hỗ trợ để khuyến khích nông dân tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao; bố trí tăng vốn cho Quỹ Khuyến nông thành phố để cho nông dân vay phát triển trang trại, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng khoa học công nghệ, tạo vùng chuyên canh lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.