Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: “Hiến kế” để hoàn thành kế hoạch

Nguyễn Mai| 06/05/2015 06:24

(HNM) - Theo kế hoạch, năm 2015, việc đánh giá chấm điểm tiêu chí xây dựng NTM để công nhận đạt chuẩn sẽ được thực hiện vào cuối quý III, sớm hơn so với mọi năm. Thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc cần làm rất lớn. Vì vậy, cần có kế hoạch cụ thể với sự vào cuộc quyết liệt,

Đường làng ngõ xóm Đoài Khê (Đan Phượng) phong quang sạch đẹp. Ảnh: Bảo Lâm



Giải quyết khó khăn về vốn

Bàn về vấn đề vốn, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần tập trung bố trí nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và các địa phương tích cực huy động sức người, sức của trong nhân dân để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mới thành công. "Cấp cho chúng tôi 50 tỷ đồng, chúng tôi sẽ hoàn thành xây dựng NTM"- Đó là khẳng định của Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Sơn. Theo ông Sơn, trong 3 năm 2012-2014, ngân sách nhà nước đã đầu tư 40 tỷ đồng cho xây dựng NTM, tuy nhiên, người dân cũng đã đóng góp số vốn lớn. Theo đề án xây dựng NTM được duyệt, xã Mỹ Thành cần 197 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi được phê duyệt đề án NTM đến nay, số vốn thành phố đầu tư vào đây không nhiều, chủ yếu là vốn của huyện và xã… Còn theo ông Đỗ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Kim Quan năm 2015, dự kiến xã cần khoảng 30 tỷ đồng vốn ngân sách để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, còn lại, địa phương sẽ huy động nhân dân góp công, của để giảm vốn đầu tư của Nhà nước. Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cũng cho biết: Năm 2015, thị xã Sơn Tây phấn đấu 2 xã Đường Lâm và Thanh Mỹ hoàn thành NTM. Khi xây dựng kế hoạch, do khảo sát chưa kỹ nên đề án xây dựng NTM của các xã lên tới 300 - 400 tỷ đồng/xã. Thị xã đã sàng lọc lại, kinh phí rút xuống nhiều. Hiện nay, thị xã chỉ đạo không nhất thiết phải đủ nguồn vốn như phương án được duyệt mới hoàn thành NTM.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Duy Phong cho biết: Thực tế cho thấy, khi các xã đồng loạt xây dựng đề án NTM, dự toán kinh phí mỗi xã cần 250-300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tại những xã hoàn thành xây dựng NTM, số vốn thấp hơn nhiều so với đề án được duyệt. Đó là nhờ sự vào cuộc của đông đảo doanh nghiệp và nhân dân. Hiện Sở Tài chính và BCĐ chương trình đã có văn bản chỉ đạo các xã tổng kết việc xây dựng NTM.

Năm nay, theo quy định mới, việc xem xét đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xây dựng NTM sẽ thực hiện vào tháng 9 nên thời gian không còn nhiều. Vì vậy, UBND thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm bố trí kinh phí cho các huyện; tiếp tục xem xét, tháo gỡ khó khăn về trình tự, thủ tục đấu giá đất để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng NTM. UBND các huyện tăng cường chỉ đạo, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các xã, phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay. Bên cạnh sự quan tâm, bố trí kinh phí sớm, kịp thời, nhiều địa phương cũng "hiến kế" đề nghị thành phố chỉ đạo các quận nội thành "bắt tay" với huyện trong phong trào xây dựng NTM thông qua những công trình hỗ trợ như tặng trường học, tặng nhà văn hóa, tặng khu thể thao... "Số tiền vài chục tỷ đồng với 1 quận không phải là lớn nhưng với huyện thì rất quý. Nếu việc kết nối thành công, tin chắc việc xây dựng NTM ở khu vực ngoại thành sẽ hoàn thành sớm"- ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ kiến nghị.

"Cải cách" hành chính trong NTM

Hiện nay, công tác đấu giá đất để tạo vốn xây dựng NTM vẫn đang bế tắc tại nhiều địa phương. Mặt khác, mặt bằng giá bất động sản hiện vẫn trầm lắng nên việc đấu giá đất khó khăn. Do vậy, một số huyện đề nghị UBND thành phố xem xét, phân cấp cho huyện phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt trong khu dân cư. Ngoài ra, một số huyện đề nghị cho áp dụng chính sách tại Quyết định 16/2012/QĐ-UBND đối với diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển đô thị (không thuộc diện thực hiện dồn điền đổi thửa), nhưng trong nhiều năm tới vẫn sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, nhiều xã có các thôn dân cư vùng bãi ven sông thuộc các huyện Thanh Trì, Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Mê Linh… đề nghị thành phố kiến nghị với trung ương rà soát điều chỉnh chỉ giới phân lũ phù hợp với thực tế của các địa phương để các xã có thể giải quyết mặt bằng thi công các công trình công cộng theo tiêu chí NTM cũng như triển khai các thủ tục đấu giá đất tạo nguồn vốn cho xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, ở các xã vùng bãi như: Duyên Hà, Yên Mỹ, Vạn Phúc nằm trong quy hoạch vùng bãi nên không được đầu tư để xây dựng hạ tầng trường học, nhà văn hóa… nên cần tháo gỡ kịp thời, nếu không sẽ rất khó để hoàn thành xây dựng NTM ở các xã này.

Đến nay, khu vực nông thôn Hà Nội đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình xây dựng NTM, phải nỗ lực hơn nữa để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc.

Mục tiêu của Chương trình 02 của Thành ủy giai đoạn 2011-2015 là: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng NTM phát triển theo quy hoạch, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái, cảnh quan sạch đẹp, gắn kết hợp lý giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân. Nông dân được đào tạo, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc; chú trọng giải quyết việc làm, giảm dần khoảng cách thu nhập, hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: “Hiến kế” để hoàn thành kế hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.